Tìm hiểu "đám mây" của Google

Khi Google tung ra dịch vụ e-mail trên Web Gmail vào ngày 1-4-2004, nhiều người nghĩ rằng đây là trò đùa Cá tháng Tư vì cũng trong ngày này công ty còn công bố kế hoạch xây một cơ sở nghiên cứu trên mặt trăng.

Kế hoạch này đúng là một trò đùa, nhưng nhiều người cũng nhanh chóng nhận ra Gmail là thật và dịch vụ này sau này đóng vai trò như là một nền móng cho việc tung ra Google Apps, một tập hợp miễn phí các ứng dụng liên lạc và cộng tác, bao gồm e-mail (Gmail), lịch (Calender), xử lý văn bản và bản tính (Docs & Spreadsheets), nhắn tin tức thì (Google Talk), lập trang web nhóm (Google Sites)…

Con đường chông gai của Google Apps

Đến tháng 2-2007, Google tung ra phiên bản doanh nghiệp của Google Apps với mức phí 50 đô-la Mỹ/người sử dụng/năm, chính thức bước vào một lĩnh vực đầy cạnh tranh với sự hiện diện của Microsoft và IBM. Đây không phải là một đường đi dễ dàng cho Google Enterprise (bộ phận phụ trách Google Apps). Theo Jonathan Edwards, nhà phân tích của Yankee Group, Google đang đối mặt với sự miễn cưỡng của các bộ phận công nghệ thông tin (CNTT) và giám đốc của họ, những người xem Google Apps là một sản phẩm tiêu dùng chưa cung cấp đủ sự an toàn, hỗ trợ và tin cậy cần thiết trong lĩnh vực phần mềm doanh nghiệp.

Một cuộc khảo sát gần đây của CIO.com cho thấy, chỉ có 18% trong 300 người có quyền ra quyết định về CNTT tại các doanh nghiệp nói sẽ xem xét dùng dịch vụ e-mail được lưu trữ trên máy chủ của dịch vụ như Gmail. Trong khi đó, hơn 50% người được hỏi nói sẽ không nghĩ đến việc dùng nó và viện dẫn “những nguyên nhân bảo mật” là rào cản chủ yếu. Ngoài yếu tố kỹ thuật, quyết định dùng hay không dùng Google Apps trong doanh nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào vấn đề triết lý. Theo chuyên gia Edwards, nhiều công ty tỏ ra không mặn mà với ý tưởng dữ liệu của họ (nhất là các thông điệp e-mail) được lưu trữ bên ngoài các bức tường của công ty và trong các trung tâm dữ liệu của Google, vì họ lo ngại điều này sẽ là trái với những quy định hay luật lệ trong kinh doanh, như đạo luật Sarbanes-Oxley yêu cầu các công ty để sẵn sàng dữ liệu được kiểm toán và biết chính xác nơi lưu trữ chúng.

Sự bổ sung – chứ không phải thay thế – cho Microsoft Office

Các quan chức Google cũng thừa nhận đã gặp khó khăn trong việc thuyết phục các công ty rằng, họ có thể là một nhà cung cấp phần mềm doanh nghiệp. Tuy nhiên, họ tin sẽ thu hút được các doanh nghiệp lớn trong thời gian sắp tới bởi những lý do mà các nhà cung cấp SaaS (phần mềm như là một dịch vụ) như Salesforce.com đưa ra vài năm trước.

Theo Dave Girouard, người đứng đầu Google Enterprise, phần mềm được phân phối trên web (hay “đám mây”) như Google Apps cho phép bộ phận CNTT tại các doanh nghiệp tiết kiệm chi tiêu bằng cách duy trì ít máy chủ hơn và liên tục nâng cấp ứng dụng mà không gây ảnh hưởng nào về thời gian đối với người sử dụng thiết bị đầu cuối trong doanh nghiệp. Sự phổ biến của Gmail và công cụ tìm kiếm Google khiến Google Apps trở thành một lựa chọn thú vị cho những doanh nghiệp quan tâm đến việc tiết kiệm chi phí.

Dĩ nhiên là Microsoft đã lên tiếng giảm nhẹ tầm quan trọng của Google Apps khi tuyên bố bộ ứng dụng này không phải là một đối thủ cạnh tranh thật sự của Microsoft Office. Theo công ty, các ứng dụng của Microsoft Office, như Word và Excel, cung cấp nhiều tính năng hơn Google Apps. Đáp lại, Google cho biết họ xem Google Apps này là một sự bổ sung, chứ không phải thay thế, cho Microsoft Office. Hơn nữa, Google không quan tâm đến số lượng tính năng được đưa vào trong sản phẩm này mà tập trung vào việc giúp người sử dụng cộng tác trực tuyến với nhau theo thời gian thực.

Về vấn đề số lượng tính năng, nhóm thiết kế và quản lý Google Apps cho rằng việc cung cấp tính năng thật sự cần thiết cho người sử dụng mới quan trọng hơn việc nhồi nhét quá nhiều tính năng mới ít dùng vào phần mềm. Rahen Sheth, người đứng đầu nhóm này, nhận định: “Đây không phải là chuyện một ứng dụng có 503 tính năng đánh bại một ứng dụng có 502 tính năng, mà là chuyện một ứng dụng có 15 tính năng thật sự đáng tin cậy và hữu ích.”

Mối bận tâm về bảo mật

Triết lý của Google về vấn đề bảo mật thông tin khá đơn giản: Dữ liệu của bạn sẽ an toàn với Google hơn là với bạn. Girouard cho biết: “Một số cơ quan chính phủ Mỹ nói với chúng tôi rằng họ nghĩ là dữ liệu sẽ an toàn trong tay Google hơn là nằm trên máy chủ của họ.” Các nhà phân tích cho rằng việc Google mua lại công ty bảo mật web Postini đã phần nào cho thấy công ty quan tâm đến việc giữ an toàn dữ liệu của doanh nghiệp. Google cũng nhận được chứng chỉ SAS70 vốn yêu cầu kiểm tra chặt chẽ những hàng rào bảo mật trong nội bộ công ty.

Một số nhà phân tích cho rằng việc nhiều người sử dụng thông thường ưa chuộng công cụ tìm kiếm Google khiến công ty này gặp khó khăn hơn trong việc chiếm được lòng tin của khách hàng tiềm năng so với những công ty SaaS khác trước đây. Rebecca Wettermann, Phó chủ tịch công ty tư vấn Nucleas Research, lý giải: “Người ta tự hỏi rằng liệu dữ liệu của công ty họ bằng cách nào đó có thể xuất hiện trong danh sách kết quả tìm kiếm của một người sử dụng thông thường hay không?” Để thuyết phục được những doanh nghiệp còn hoài nghi, Google đã phải hợp tác với Salesforce.com, một công ty đã chứng tỏ được rằng SaaS cũng an toàn như phần mềm truyền thống.

Thứ Năm, 02/10/2008 08:52
31 👨 335
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp