Sự kiện nổi bật của thị trường laptop

Dell ra mắt dòng laptop thời trang Adamo, Sony phá giới hạn trong thiết kế laptop với Vaio X và P là hai trong những sự kiện đáng nhớ của năm.

Năm 2009 là một năm phát triển mạnh mẽ của thị trường laptop với các sản phẩm đa dạng về kiểu dáng, tính năng và mức giá phù hợp cho nhiều người tiêu dùng khác nhau. Các nhà sản xuất đã quan tâm nhiều hơn tới việc nghiên cứu thị trường để có những bước đi phù hợp tạo nên sức cạnh tranh mạnh mẽ mà ở đó người tiêu dùng được hưởng lợi nhiều nhất.

Dưới đây là một số dấu mốc quan trọng của thị trường laptop trong năm 2009 do tạp chí Cnet châu Á bình chọn.

Alienware bước chân vào thị trường châu Á.


Để thành công tại thị trường châu Á, Alienware có lẽ sẽ còn phải cố gắng rất nhiều. (Ảnh: Cnet).

Đây có thể là một cái tên lạ lẫm đối với người dùng bình dân, nhưng trong giới công nghệ, đặc biệt là những người đam mê game thì Alienware thực sự đã quá quen thuộc và có một vị trí, đẳng cấp nhất định. Tuy vậy, dù đã được Dell mua lại từ năm 2006, phải 3 năm sau - năm 2009, Alienware mới bắt đầu bước chân vào thị trường giàu tiềm năng châu Á.

Đầu tiên phải kể đến mẫu Alienware M17x với sức mạnh không phải bàn cãi đến từ bộ vi xử lý tốt nhất của Intel cùng card đồ họa kép. Sau đó hãng cũng cho ra mắt mẫu sản phẩm Alienware M15x với cấu hình cơ bản cùng mức giá phù hợp hơn với nhiều người dùng.

Tuy nhiên, để thâm nhập sâu vào thị trường laptop châu Á, Alienware có lẽ còn phải cố gắng nhiều hơn nữa bởi những chiếc laptop mạnh mẽ nhưng thiết kế quá cồng kềnh cùng mức giá "trên trời" của hãng sẽ rất khó làm hài lòng những khách hàng khó tính ở đây.

Samsung quay trở lại châu Á.


Sự trở lại của Samsung dường như hơi muộn. (Ảnh: Cnet).

Đánh dấu sự trở lại bằng việc ra mắt mẫu laptop sử dụng chip ULV - Q30, hãng điện tử Hàn Quốc cho thấy tham vọng muốn chiếm lĩnh thị phần trong tất cả các mặt hàng công nghệ mà mình tham gia sản xuất. Samsung cũng đã cố gắng trang bị màn hình LED trên các sản phẩm thuộc series R với mức giá hấp dẫn. Ngoài ra, cũng có thể kể tới những mẫu netbook "siêu khỏe" là N120 và N310. Tuy nhiên, đây vẫn có thể là một sự cố gắng muộn màng của Samsung khi mà Dell hay Acer và cả HP Compaq đã có những bước đi chiến lược kiểu này để chiếm lĩnh và tạo tên tuổi trên thị trường từ cách đây 2 năm.

Dell ra mắt dòng laptop thời trang Adamo.


Người ta vẫn có nhiều lý do để tin vào sự thành công của Adamo. (Ảnh: Dell).

Nhằm tạo ra sự khác biệt và đẳng cấp với các dòng máy đã quá quen thuộc của hãng là Studio, XPS hay Studio XPS. Dell đã cho rắt mẫu sản phẩm mới với thiết kế unibody siêu mỏng và có model được bán với giá lên tới 3.600 USD. Đây là series mới được Dell nhắm làm đối thủ cạnh tranh trực tiếp với MacBook Air của Apple. Tuy nhiên, thời điểm ra mắt của dòng máy này dường như chưa thực sự hợp lý khi nó rơi đúng vào lúc nền kinh tế thế giới vẫn chưa thoát khỏi suy thoái. Sẽ thật khó để người dùng lúc này bỏ ra số tiền lớn như vậy để sở hữu một chiếc laptop thời trang hơn là hiệu năng công việc nó mang lại.

Tuy vậy, hãng đã có những bước đi đúng đắn hơn khi cho ra mắt series Dell XPS Adamo ít lâu sau vào thời điểm kinh tế toàn cầu đã dần hồi phục cùng mức giá "thực tế" hơn, vào khoảng 2.500 USD.

Còn quá sớm để khẳng định sự thành bại trong "nước cờ" này của Dell, nhưng Adamo bước đầu cũng đã tạo ra được sự bảo đảm về mặt thương hiệu giống như Sony và Apple từng làm được.

Sony với hai mẫu laptop "kỳ lạ" Vaio X và Vaio P.


Sony luôn biết cách phá vỡ mọi giới hạn trong thiết kế. (Ảnh: Cnet).

Chọn một mẫu máy tính xách tay Vaio chắc chắn không phải chỉ dựa trên thông số kỹ thuật, đó dường như đã là một suy nghĩ quá quen thuộc với nhiều người tiêu dùng. Hãng điện tử Nhật Bản luôn nổi tiếng với việc sáng tạo ra những mẫu laptop bắt mắt và có khả năng tự làm cho nó trở nên khác biệt trong đám đông. Và năm nào cũng vậy, Sony luôn khiến người khác phải nhắc đến với những mẫu mã đi ra ngoài cả sự giới hạn được đặt ra trước đó cho một chiếc máy tính xách tay. Năm 2009 thậm chí còn đặc biệt hơn khi không phải một mà hãng giới thiệu những 2 mẫu sản phẩm "kỳ lạ" là Vaio X và Vaio P.

Dù được tích hợp chip xử lý Atom, nhưng Sony vẫn luôn nhấn mạnh trong những thông báo của mình rằng, Vaio P không phải là một netbook. Máy có màn hình rộng bất thường, nhưng kèm với nó là một bàn phím được trải dài khá thuận tiện. Trong khi đó, Vaio X lại hướng người dùng vượt ra ngoài giới hạn về độ mỏng của những chiếc laptop. Nó thậm chí còn làm Sony phải thiết kế lại cổng Ethernet theo kiểu bật ra để phù hợp được với độ mỏng.

Tuy cả hai chiếc máy đều có giá bán cao hơn mức trung bình so laptop mini dùng chip Atom, nhưng những gì mà Vaio X và P mang lại vẫn xứng đáng để người dùng suy nghĩ.

Apple nói "tạm biệt" với pin thay thế.


Thiết kế unibody dường như đang trở thành một xu thế mới. (Ảnh: Apple).

Bắt đầu với dòng sản phẩm MacBook Air của hãng được thiết kế unibody siêu mỏng phá vỡ quy tắc pin thay thế của máy tính xách tay trước đó. Hãng cũng đã bắt đầu áp dụng cả điều này sang dòng MacBook Pro sau đó, và mới đây nhất là MacBook White cũng tiếp nối đàn anh.

Kiểu thiết kế này sẽ gây đôi chút trở ngại với người dùng khi phải gửi tới các trung tâm sửa chữa hay bảo hành để thay thế pin khi cần thiết. Công việc này chắc chắn không phải cũng dễ dàng và thuận tiện nhất là đối với những đối tượng khách hàng ở xa trung tâm. Thiết kế theo kiểu unibody chắc chắn đang tạo ra cơn sốt trong thị trường máy tính xách tay, nhưng liệu nó có phải là một xu thế lâu dài hay không thì chắc chắn chưa ai dám khẳng định.

ThinkPad giới thiệu laptop 2 màn hình.


Trong giai đoạn chuyển giao, ThinkPad vẫn không muốn người ta quên tên mình. (Ảnh: Cnet).

Nói đến ThinkPad là nói đến một huyền thoại về những chiếc máy tính xách tay hoạt động bền bỉ, hiệu quả với độ tin cậy cao. Sau khi đơn vị PC của IBM được Lenovo mua lại, ThinkPad vẫn tiếp tục phát huy được những điểm mạnh của mình bằng những ưu tiên cho mục đích sử dụng chính trong công việc. ThinkPad W700s với màn hình chính rộng 17,1 inch và một màn hình phụ trượt ra rộng 10,6 inch. Màn hình thứ hai giúp dễ dàng nhận, gửi email, trò chuyện trong khi vẫn làm việc bên màn hình chính. Điều này có thế không bắt đầu một xu thế mới, nhưng đây là một dấu hiệu cho thấy ThinkPad vẫn là một thương hiệu đáng để người ta nhắc đến trong bất kỳ thời điểm nào.

Laptop sử dụng chip CULV vượt qua rào cản về giá cả.


Intel CULV có nhiều model gồm lõi đơn Core Solo, Pentium, và Core 2 Duo lõi kép. (Ảnh: Cnet).

Netbook đã phát triển rất mạnh mẽ vào năm 2008. Nhưng người dùng sớm nhận ra những cỗ máy sử dụng chip Atom này không thể phục vụ tốt ngay cả với những tiêu chí đơn giản nhất như lướt web, đặc biệt là với những trang sử dụng Flash nặng. Để khắc phục nhược điểm này, bộ vi xử lý hiệu năng sử dụng tốt và tiết kiệm điệm điện Consumer Ultra-Low Voltage (CULV) đã ra đời.

Những chiếc laptop đầu tiên sử dụng loại chip thế hệ mới có thể kể đến là Acer Aspire Timeline 3810T và MSI X-Slim X340. Ngoài ra, với việc được tích hợp màn hình LED tiết kiệm điện, thời lượng sử dụng pin của chúng càng thêm ấn tượng. Chúng cũng có kiểu dáng mỏng manh và bắt mắt nhưng lại có giá rẻ hơn so với dòng laptop siêu mỏng truyền thống tới vài trăm USD.

Là thời điểm mà nền kinh tế chưa thoát hẳn khỏi tình trạng suy thoái, nhưng năm 2009 vẫn diễn ra rất nhiều dấu mốc quan trọng đáng chú ý của ngành công nghiệp sản xuất máy tính xách tay. Người tiêu dùng chắc chắn sẽ có nhiều lý do để hy vọng vào năm 2010 xuất hiện thêm những bước đột phá từ các nhà sản xuất cả về giá thành, tính năng và kiểu dáng.

Thứ Ba, 05/01/2010 10:47
31 👨 358
0 Bình luận
Sắp xếp theo