Samsung đánh bại Apple ở Trung Quốc như thế nào?

Giám đốc điều hành của Apple, Tim Cook tin rằng "theo vòng cung thời gian" Trung Quốc là một cơ hội rất lớn cho công ty mở đường phát triển của mình. Nhưng thời gian có vẻ ở bên đối thủ Samsung Electronics Co Ltd lâu hơn và giúp hãng này thâm nhập sâu hơn vào thị trường đông dân nhất thế giới.

Hãng tin Reuters đã có bài phân tích cách mà "Gã khổng lồ điện tử" Hàn Quốc đã đánh bại "Quả táo" ở thị trường đông dân nhất thế giới.

Apple Inc trong tuần qua đã công bố kết quả kinh doanh của hãng ở thị trường Trung Quốc, bao gồm cả Hong Kong và Đài Loan. Theo đó, hãng đã bị mất 43% doanh thu so với quý trước khi chỉ đạt 4,65 tỷ USD. Kết quả này cũng thấp hơn 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

Samsung đánh bại Apple ở Trung Quốc như thế nào?

Trong khi đó, "Gã khổng lồ điện tử" Hàn Quốc đang nắm 19% thị phần điện thoại thông minh có giá trị giao dịch 80 tỷ USD của thị trường Trung Quốc, và dự kiến sẽ tăng lên tới 117 tỷ USD vào 2017 theo Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDC). Samsung đang dẫn trước Apple 10 điểm %. Còn "Quả táo" lại đang rơi xuống vị trí thứ 5 trên thị trường điện thoại di động của Trung Quốc.

Rõ ràng, Samsung đã và đang có những chiến thắng lớn trướng đối thủ Apple ở thị trường đông dân nhất thế giới.

Vậy điều gì đã giúp "Gã khỏng lồ điện tử" Hàn Quốc đánh bại được đối thủ đến từ Mỹ?

Theo Reuters, có 3 lý do chính khiến tạo ra chiến thắng cho Samsung. Đó là: Hệ thống bán lẻ đa dạng, mối quan hệ thân thiện với Chính phủ Trung Quốc và sự tấn công toàn diện cả ở hai phân khúc cao và thấp của thị trường điện thoại di động.

Hệ thống bán lẻ đa dạng, linh hoạt

Samsung mở văn phòng đầu tiên tại Trung Quốc vào năm 1985 ở Bắc Kinh. Như các chaebol Hàn Quốc khác, Samsung là một công ty đi đầu ở thị trường Trung Quốc, sử dụng thị trường chủ yếu như một cơ sở để sản xuất thiết bị điện tử cho thế giới.

Tiếp sau đó, vào giữa những năm 1990 với nền kinh tế Trung Quốc đang bùng nổ, Samsung đã quyết định chiến lược để điều chỉnh hoạt động kinh doanh ở thị trường đông dân nhất thế giới khi xác định thị trường này không chỉ là một cơ sở sản xuất mà còn bắt đầu tiếp thị các sản phẩm điện tử ở thị trường này. Từ đây, Samsung nhen nhóm xây dựng cho mình một mạng lưới bán lẻ đa dạng, rộng khắp.

Đến nay, ngoài việc bán hàng thông qua các cửa hàng phân phối của ba nhà mạng viễn thông lớn của Trung Quốc, Samsung cũng có một sự hiện diện mạnh mẽ thông qua các đối tác bán lẻ là Gome Electrical Appliances và Suning Commerce Group, cũng như các gian hàng "Experience" (trải nghiệm) của riêng hãng và các nhà bán lẻ nhỏ trên khắp Trung Quốc.

Ngược lại, sự thúc đẩy lớn của Apple tại Trung Quốc chỉ đến gần đây, với sự ra đời của thời đại điện thoại thông minh, iPhone khoảng năm năm trước đây. Apple với tư cách là kẻ đến sau đã phải chập nhận bàn thua đầu tiên trước đối thủ của mình ở khâu bán lẻ. Một ví dụ minh họa cho sự thua thiệt này đó là Samsung đã có hơn 200 nhà phân phối và các đại lý chính thức trên địa bàn tỉnh Quảng Châu, trong khi Apple chỉ có 95 đại lý.

Bên cạnh việc sớm có được hệ thống bán lẻ rộng khắp như vậy, Samsung còn thể hiện một khả năng kinh doanh linh hoạt hơn hẳn đối thủ từ Mỹ khi hãng này đã xây dựng được mối quan hệ khá tốt với ba nhà mạng viễn thông lớn của Trung Quốc là China Mobile, China Unicom và China Telecom.

Mối quan hệ này được thể hiện qua việc thay vì như Apple thường ép các nhà mạng di động sở tại điều chỉnh công nghệ theo công nghệ thiết bị di động của mình, thì với Samsung ngược lại, hãng đã khôn khéo thích ứng với các công nghệ sẵn có của các nhà mạng. Sự bắt tay với các nhà mạng để cho ra đời các thiết bị di động dành riêng cho các thuê bao nhà mạng là một điểm cộng cho chính sách kinh doanh bán lẻ của Samsung ở thị trường vốn tính bảo thủ như Trung Quốc.

Còn với Apple, chính sách "áp đặt" cứng nhắc của họ đã đưa chính họ vào thế bế tắc trong nhiều năm khi "Quả táo" và các nhà mạng viễn thông Trung Quốc vẫn không thể đi đến một thỏa thuận về chia sẻ doanh thu, qua đó khiến Apple mất đi cơ hội lớn tiếp cận tới hàng trăm triệu khách hàng tiềm năng.

Mối quan hệ thân thiện với Chính phủ Trung Quốc

Tầm quan trọng của quan hệ - hay "guanxi" ở Trung Quốc thường được đánh giá cao trong kinh doanh. Với Samsung, họ đã vận dụng một cách hiệu quả khái niệm này trong hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc.

Samsung đã xây dựng cho mình một mối quan hệ còn cao hơn cả mối quan hệ với các tổng giám đốc, giám đốc điều hành các tập đoàn, công ty Nhà nước của Trung Quốc khi có được sự ủng hộ từ phía giới lãnh đạo cấp cao của nước này. Cuộc gặp gỡ giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Phó Chủ tịch Samsung Y. Lee vào tháng Tư vừa qua là một ví dụ rõ nét cho thấy một trong những cách mà Samsung xâm nhập, chiếm lĩnh hiệu quả thị trường đông dân nhất thế giới.

Sau cuộc gặp đó, Y.Lee đã tỏ rõ sự ngạc nhiên khi biết được ban lãnh đạo Trung Quốc biết rất rõ về Samsung, "họ thậm chí có một nhóm nghiên cứu chúng tôi."

Như vậy, Samsung đã có được "cái gật đầu" thiện cảm từ phía Lãnh đạo Trung Quốc và đó chính là tấm bình phong vững chắc để hãng này tồn tại và tỏa sức phát triển ở thị trường điện thoại di động thông minh lớn nhất thế giới.

Ngược lại với con đường "thuận buồm, xuôi gió" của Samsung, Apple có vẻ như đã đi con đường ngược sóng, ngược gió ở Trung Quốc. Hãng công nghệ của Mỹ dường như chịu chung số phận với người đồng nghiệp, đồng hương Google khi bị rơi vào tầm ngắm soi mói, khắt khe từ phía chính quyền Trung Quốc.

Tháng Ba vừa qua, Apple đã trở thành mục tiêu công kích của giới truyền thông Trung Quốc khi Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) và tờ Nhân dân Nhật báo đồng loạt tố "Quả táo" ăn bớt hạn bảo hành, phân biệt đối xử với người tiêu dùng Trung Quốc trong các dịch vụ chăm sóc khách hàng. Giới truyền thông Trung Quốc "mắng" Apple có thái độ ngạo mạn và cư xử không đúng trong các thông tin phản hồi. Apple thời điểm đó, lúc đầu tỏ ra bác bỏ những lời chỉ trích, nhưng sau đó đã phải nhún nhường khi đích thân Giám đốc điều hành Tim Cook phải viết thư xin lỗi người tiêu dùng Trung Quốc.

Tấn công toàn diện thị trường điện thoại di động

Samsung hiện nay dẫn đầu trong cả hai phân khúc thấp cấp và cao cấp của thị trường điện thoại Trung Quốc, theo IDC.

Ở Trung Quốc, nơi mà mức thu nhập trung bình khoảng 640 USD mỗi tháng, nhiều người tiêu dùng muốn nâng cấp từ điện thoại tính năng cơ bản lên điện thoại thông minh không thể đủ khả năng mua được các sản phẩm của Apple.

Ngược lại, Samsung đã nhạy bén mở cuộc tấn công toàn diện trên tất cả các phân khúc của thị trường điện thoại di động và "chiều lòng" các khách hàng Trung Quốc bằng điện thoại thông minh giá rẻ cho tới cao cấp đắt tiền. Và kết quả của chiến lược kinh doanh trên đã giúp Samsung trụ vững trước sự cạnh tranh khốc liệt từ các công ty điện thoại Trung Quốc như Lenovo và Huawei và hàng trăm hãng điện thoại vừa và nhỏ địa phương.

Với những gì Samsung đã làm và đang làm được ở thị trường Trung Quốc, cánh cửa để Apple có thể đi qua và thu hẹp khoảng cách với đối thủ là khá hẹp. Và giới phân tích cho rằng, việc cho ra đời một mẫu điện thoại giá rẻ sẽ là chiếc phao cuối cùng giúp Apple nắm được "cơ hội rất lớn" để phát triển không những ở thị trường Trung Quốc mà còn ở các thị trường mới nổi khác, những nơi đang chứng kiến một tốc độ tăng trưởng sử dụng điện thoại di động mạnh mẽ, ấn tượng.

Thứ Hai, 29/07/2013 17:20
31 👨 369
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp