Nối mạng không dây: Dựng hotspot theo nhu cầu

Từ chỗ chỉ có một điểm truy cập Internet không dây Wi-Fi (Wireless Fidelity - công nghệ không dây cự ly ngắn, chuẩn IEEE 802.11, tầm phủ sóng chỉ giới hạn), hotspot đầu tiên được xây dựng vào tháng 6/2004 tại Hà Nội bởi Intel và VDC; đến nay, hotspot đã mọc lên như nấm tại TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng... Thậm chí tại TP.HCM, trên một con đường ngắn ở quận 3, đã có đến vài ba hotspot của các quán cà phê hoặc nhà hàng.

Giờ đây hotspot không chỉ có ở các địa điểm công cộng thu hút nhiều người dùng mà các doanh nghiệp, nhiều gia đình tại các thành phố lớn cũng đã có Internet Wi-Fi. Theo ông Lê Hoàng Hải, giám đốc chi nhánh TP.HCM của Netcom – công ty chuyên cung cấp các giải pháp về mạng không dây, thị trường các thiết bị dùng cho hotspot đã tăng trưởng khá cao, khoảng 25 – 30% hàng năm.

Cạnh tranh bằng Wi-Fi

Tất nhiên, ưu điểm của Wi-Fi thì ai cũng biết, với máy tính được trang bị công nghệ Wi-Fi (tích hợp sẵn hoặc dùng card wireless), khi ở trong vùng phủ sóng của Wi-Fi là có thể kết nối ngay với Internet tốc độ cao mà không cần cáp. Quả là thuận lợi, nhất là với những ai thường xuyên di chuyển. Nhưng "sướng hơn" nữa là hiện Internet Wi-Fi trong các quán cà phê, nhà hàng... tại các thành phố lớn hầu hết được cung cấp miễn phí! Chỉ với trên dưới 10.000 đồng tiền nước, bạn có thể truy cập Internet không dây nhiều giờ. Chính vì ưu điểm này, cộng với việc số lượng người sử dụng máy tính xách tay, thiết bị trợ giúp cá nhân số (PDA) ngày càng nhiều nên Wi-Fi đang là một trong những yếu tố để các quán cà phê, khách sạn, nhà hàng, cửa hàng... thu hút khách. Cách cạnh tranh này được coi là khá tích cực và nhạy bén. Đó cũng là lý do mà vì sao hotspot đang xuất hiện khắp nơi nhất là tại TP.HCM và Hà Nội.

Cũng do lợi thế không dây mà hiện nay Wi-Fi đã được nhiều doanh nghiệp bắt đầu ứng dụng cho hoạt động của họ. Minh chứng là nếu mang máy tính xách tay có tích hợp card mạng Wi-Fi đến "phố máy tính" Bùi Thị Xuân hoặc Tôn Thất Tùng ở TP.HCM, bạn có thể dễ dàng vào Internet "chùa" do nhiều doanh nghiệp ở các phố này đã triển khai hotspot. Vùng phủ sóng "dày đặc" đến mức dù không ở trong văn phòng của công ty nào đó, người dùng vẫn vô tình "dò” được "sóng". Thậm chí thời gian gần đây, nhiều gia đình đã trang bị hotspot tại gia. Wi-Fi đã cho phép người dùng tự do di chuyển khắp nhà mà vẫn truy cập được Internet, không phải kéo lê theo sợi cáp. Tất nhiên cũng phải thừa nhận rằng, khi dùng Wi-Fi chúng ta cũng chỉ có thể "luẩn quẩn" ở phạm vi bán kính phủ sóng của hotspot mà theo thực tế thường chỉ ở mức từ 30 – 50m (lý thuyết là 300m).

Wi-Fi không có gì phức tạp

Vẫn theo ông Lê Hoàng Hải của Netcom, dù là công nghệ khá mới mẻ với thị trường Việt Nam nhưng thực tế Wi-Fi không có gì phức tạp và cao siêu như nhiều người lầm tưởng. Khi tiến hành xây dựng hotspot, người dùng cần phải có một tài khoản (account) ADSL (Internet băng thông rộng, tốc độ tối đa tại Việt Nam hiện nay là 2 Mbps) hiện do khá nhiều ISP cung cấp như: VDC, FPT, Viettel... với nhiều gói cước để người dùng có thể có lựa chọn tối ưu nhất.

Tiếp đó, người dùng phải sắm "trái tim" của hotspot là một bộ thu phát tín hiệu (Access Point- AP). Gắn thiết bị này sau router ADSL sau đó phát "sóng" đến các thiết bị đầu cuối có hỗ trợ Wi-Fi mà cụ thể là máy tính xách tay, PDA hoặc điện thoại di động... Tham khảo thêm thông tin về cách thiết lập trong bài viết "Chia sẻ kết nối Internet qua thiết bị không dây"

Access Point có nhiều loại khác nhau, nhưng đa phần chúng được thiết kế khá gọn gàng, với kích thước khoảng 2 bàn tay, được gắn sẵn 1 hoặc 2 ăng-ten.

Tại Việt Nam, AP được bán với khá nhiều tên tuổi, giới kinh doanh sản phẩm này đánh giá về nhãn hiệu AP bằng câu "thượng vàng hạ cám". Có thể kể đến là Cisco, 3COM, D-Link, IBM, Okeynet, Planet, Micronet, TRENDnet, Linksys, Infosmart... Giá các sản phẩm này thường khoảng từ 60 cho đến vài trăm USD tùy theo nhãn hiệu và tính năng. Các chuyên gia cho rằng, trong các doanh nghiệp, những nơi Internet thực sự ảnh hưởng đến công việc kinh doanh thì nên chọn những sản phẩm có uy tín, vì các sản phẩm này thường đi với các giải pháp trọn gói, tầm phủ sóng rộng, cộng với độ ổn định cao... Các AP cỡ Cisco, 3COM là khá cao, không dưới 100 USD. Trong khi đó, nếu người dùng gia đình thì chỉ cần những sản phẩm thường thường bậc trung là đủ và tiết kiệm được chi phí. Đa số các doanh nghiệp tham gia kinh doanh AP mà chúng tôi có dịp tiếp xúc đều không đánh giá cao sản phẩm do các doanh nghiệp Trung Quốc sản xuất.

Vậy phải đầu tư AP như thế nào cho hợp lý? Tầm phủ sóng và khả năng phục vụ số người truy cập cùng lúc tùy thuộc vào khả năng hỗ trợ của mỗi AP, băng thông đường truyền Internet. Bạn nên tham khảo tài liệu đi kèm sản phẩm hoặc liên hệ nhà cung cấp để có thông tin chính xác. Nếu doanh nghiệp hoặc 1 địa điểm nào đó muốn phục vụ nhiều người dùng và mở rộng tầm phủ sóng thì nên đầu tư từ 2 AP trở lên. Kinh nghiệm cũng cho thấy nên đặt AP ở những vị trí thoáng trong tòa nhà, không bị che chắn bởi các vật dụng khác đồng thời cũng tránh việc sóng của các thiết bị số khác, như điện thoại vô tuyến ảnh hưởng đến việc thu/phát của AP. Cũng nên để ý đến tốc độ của AP, vì tốc độ càng cao thì giá thành càng lớn, vậy trước khi đầu tư, bạn nên căn cứ vào nhu cầu để mua sắm trang thiết bị. Chuẩn IEEE 802.11 hiện có khá nhiều phiên bản khác nhau, nhưng tại Việt Nam, chuẩn phổ biến hiện là IEEE 802.11b, với tốc độ 11Mbps; IEEE 802.11b+ tốc độ 22Mbps đến 44Mbps; IEEE 802.11g, tốc độ 54Mbps; IEEE 802.11g, công nghệ Super G, tốc độ 108Mbps; IEEE 801.11g, công nghệ Afterburner, tốc độ 125Mbps. Các chuyên gia khuyên rằng với nhu cầu như ngày nay thì IEEE 802.11g đang thích hợp nhất với thị trường Việt Nam.

Tất nhiên, về cơ bản chỉ cần kết nối ADSLvà một AP là đủ, thế nhưng người dùng sẽ cần đến các giải pháp khác như bảo mật, chia sẻ đường truyền, cấp phép truy cập, tính cước, in cước v.v... tất cả những vấn đề này đều đã có các giải pháp từ từng phần đến trọn gói bởi các công ty chuyên cung cấp các dịch vụ về truy cập không dây. Bạn có thể tham khảo những bài đánh giá về sản phẩm này trên TGVT A hàng tháng.

Giá tham khảo* một số sản phẩm Access Point:
Nhãn hiệu Model Chuẩn Giá (USD)
Planet WAP-1963 802.11b 64
WAP-1966 802.11b+ 75
WRT-414 802.11g 60
WAP-4000 802.11 super g 118
D-Link DWL-2100P/E 802.11 super g 150
DWL-G730AP 802.11g 125
Infosmart INAP88GA 802.11g 108
INWR48GA 802.11g 110
* Giá cụ thể tùy vào chính sách của các công ty.

Kiến Thụy

Thứ Tư, 22/03/2006 16:22
31 👨 928
0 Bình luận
Sắp xếp theo