Những “sự thật một nửa” trong công nghệ (Phần 2)

Bạn cho rằng khi mình có chiếc TV màn hình LCD, chiếc điện thoại di động “căng tràn sóng” và lướt web bằng Firefox… cuộc sống sẽ “tươi đẹp” hơn? Hãy nghĩ lại.

>> Những “sự thật một nửa” trong công nghệ (Phần 1)

TV HD màn hình LCD tốt hơn Plasma

Nếu khi đi mua TV HD mà được người bán hàng gợi ý mua một chiếc màn hình LCD và cam đoan rằng LCD cho hình ảnh đẹp hơn thì bạn đừng nên tin. Có vô số lý do để chọn mua một màn hình Plasma như: hiển thị các màu tối tốt hơn, có góc nhìn rộng hơn và đặc biệt là rẻ hơn màn hình LCD đặc biệt là ở những sản phẩm có kích thước màn hình lớn.

Tuy vậy, màn hình LCD cũng có những ưu điểm của nó như có tần số làm tươi hình ảnh (refresh rate) lớn hơn và tiêu thụ ít điện năng hơn màn hình Plasma (nhất là ở những mẫu TV đời mới) nên nếu xét về lâu dài, một chiếc TV màn hình LCD sẽ tiết kiệm hơn nhưng ngược lại người mua phải trả một cái giá không hề dễ chịu ở thời điểm hiện tại.

Bất chấp những ưu điểm của mình, các thế hệ màn hình Plasma vẫn đang bị các nhà sản xuất “hắt hủi” và loại dần khỏi thị trường bởi nhiều lý do. Chính vì thế, nếu mua TV hôm nay bạn vẫn có thể có cơ hội trước khi chủng loại màn hình này hoàn toàn biến mất trong vòng một vài năm tới.

Điện thoại di động nhiều “cột sóng” hơn có nghĩa là sóng mạnh hơn?

Không ai phủ nhận số lượng cột sóng (vạch sóng) hiển thị trên màn hình chiếc điện thoại di động của bạn biểu thị cường độ tín hiệu từ vị trí của bạn so với trạm thu phát gần nhất. Nhưng trong nhiều trường hợp, số cột sóng vẫn rất nhiều mà chiếc điện thoại của bạn vẫn rất khó liên lạc hoặc có chất lượng cuộc gọi rất thấp. Nguyên nhân là trong khu vực bán kính của trạm thu phát sóng đó hiện đang có quá nhiều người cùng sử dụng.

Bên cạnh đó, thuật toán sử dụng trong mỗi mẫu điện thoại khác nhau để hiển thị số lượng cột sóng cũng khác nhau nên đôi khi bạn sẽ thấy chiếc di động của người bên cạnh “sóng căng đét” mà của bạn lại chỉ có “3 vạch”. Trong đợt kiểm nghiệm khả năng thu phát sóng của một số mẫu smartphone vừa qua nhân sự kiện mẫu iPhone 4 bị phàn nàn về khả năng bắt sóng, người ta còn phát hiện ra rằng, Apple đã sử dụng thuật toán để iPhone 4 có thể hiển thị số cột sóng nhiều hơn cường độ tín hiệu thực tới “2 cột”.

Máy in phun đắt đỏ hơn máy in laser

Để xác định tính chất “đắt-rẻ” của mỗi chủng máy in, người ta không chỉ dựa vào giá mua ban đầu mà còn tính toán đến số lượng trang có thể in được trên mỗi hộp mực. Đó chính là lý do vì sao máy in laser có giá bán ban đầu khá cao nhưng tính chi phí trung bình cho mỗi trang in lại thấp hơn. Về chất lượng mỗi bản in thì máy in laser vẫn chưa thể qua mặt được máy in phun.

Nhưng đó là chuyện của mấy năm trước, ngày nay, các nhà sản xuất đã không ngừng cải tiến công nghệ để cho ra đời những mẫu máy in phun “thu hẹp khoảng cách” đáng kể so với máy in laser mà không làm giảm chất lượng bản in.

Màn hình rộng hơn, năng suất làm việc cao hơn

Năm 2008, các nhà khoa học của trường đại học Utah đã phát hiện ra một điểm thú vị là: Năng suất làm việc của một nhân viên văn phòng sẽ cao hơn từ 30 đến 50% nếu họ được trang bị một màn hình máy tính có kích thước lớn hơn 18 inch (các công việc chủ yếu liên quan đến văn bản và bảng tính).

Nhưng sự tăng năng suất này chỉ có một mức độ nhất định và các nghiên cứu về sau chỉ ra rằng với một nhân viên, màn hình 26 inch là quá lớn và năng suất làm việc tốt nhất chỉ dao động trong khoảng 22 inch mà thôi.

Sử dụng hộp mực đổ lại sẽ làm hỏng máy in

Nhiều doanh nghiệp được khuyên rằng nên sử dụng các hộp mực in chính hãng của nhà sản xuất và không nên “đổ mực” để tái sử dụng vì hộp mực đó không được thiết kế để đổ thêm mực và từ đó sẽ nảy sinh những sự cố làm hỏng chiếc máy in . Tuy nhiên, việc tái sử dụng các hộp mực cũ vẫn diễn ra vì mọi người đã rút kinh nghiệm và nhận thấy rằng: Việc đó chẳng làm sao cả miễn là đừng tái sử dụng quá nhiều lần.

IE kém an toàn hơn các trình duyệt khác

Bấy lâu nay người dùng thường xuyên được cảnh báo rằng trình duyệt Internet Explorer (IE) của Microsoft thường xuyên có những lỗ hổng bảo mật và có thể khiến họ bị tấn công khi lướt web. Mỗi người một ý kiến nhưng hầu hết đều khuyên rằng nên chuyển sang dùng Firefox, Chrome, Opera hay thậm chí là Safari. Nhưng đây có phải là sự thật?

Hãy nhìn vào báo cáo những mối đe dọa về an ninh trên Internet do hãng bảo mật Symantec (Internet Security Threat Report, được công bố 6 tháng/lần) mới nhất bạn sẽ thấy: Firefox có 169 lỗ hổng bảo mật, Safari có 94, IE có 45 và Chrome với 41… Nếu theo báo cáo này, chính Firefox mới là mối nguy hiểm lớn nhất.

Còn theo dữ liệu của Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Hoa Kỳ (US-CERT), trình duyệt Safari của Apple đứng đầu về số nguy cơ mất an toàn với 51 lỗ hổng, Chrome có 40, Firefox có 20 và IE thấp nhất với 17 lỗ hổng được phát hiện trong vòng 3 tháng qua.

Tất nhiên, điều này chưa thể khẳng định một cách hoàn toàn trình duyệt nào an toàn hơn bởi nó còn phụ thuộc vào khoảng thời gian từ khi nhà sản xuất phát hiện cho đến khi có thể phát hành bản vá. Dù có ít lỗ hổng nhưng các lỗ hổng ấy cứ “phơi mình trên Internet” mà không được vá trong một thời gian dài thì còn nguy hiểm hơn.

Cũng theo báo cáo của Symantec, khoảng thời gian trung bình để phát hành bản vá trong năm 2009 đối với trình duyệt IE là ít hơn 1 ngày, 2 ngày đối với Chrome còn Safari thì phải chờ tới… 13 ngày.

Đến đây hẳn chúng ta cũng có thể khẳng định IE không phải là trình duyệt “nguy hiểm” nhất nhưng để có thể sử dụng IE một cách an toàn hơn, bạn nên chú ý: Thường xuyên cập nhật các bản vá mới nhất, sử dụng phiên bản IE mới nhất (IE 8), chỉ sử dụng các plug-in (ứng dụng bổ trợ) đã được kiểm tra kỹ và đáng tin cậy…

Symantec cho biết, plug-in ActiveX (được tích hợp mặc định trong IE) là thủ phạm của 134 lỗ hổng, sau đó là Java SE với 84, Adobe Reader với 49, Apple QuickTime với 27 và cuối cùng là Adobe Flash Player với 23.

Kết luận là: Đừng quá chú ý đến trình duyệt mà hãy chú ý đến các plug-in đi kèm với trình duyệt.

Nguồn: PCW

Thứ Tư, 01/09/2010 08:29
31 👨 360
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Kiến thức cơ bản