Lenovo chuẩn bị tấn công

Một năm sau khi công bố kế hoạch mua bộ phận sản xuất máy tính cá nhân của Tập đoàn IBM, tập đoàn sản xuất phần cứng Trung Quốc Lenovo đang chuẩn bị xác lập sự hiện diện của mình trên thế giới bằng cách thâm nhập vào những thị trường mới ngoài lãnh thổ Trung Quốc.

Thương vụ IBM là bước chuẩn bị

Vào tháng 12-2004, Lenovo công bố ý định mua bộ phận sản xuất máy tính cá nhân (PC) của IBM với giá lên đến 1,75 tỷ đô la Mỹ. Đây là thương vụ quốc tế tầm cỡ đầu tiên của một nhà sản xuất phần cứng Trung Quốc. Từ vị thế của nhà sản xuất máy tính bình thường, Lenovo đã trở thành một biểu tượng của sức mạnh kinh tế Trung Quốc và lần đầu tiên được cả thế giới chú ý.

Chủ tịch Lenovo Yang Yuanqing cho biết : “Nếu chúng tôi xem giai đoạn đầu tiên (của việc mua bộ phận PC của IBM) là giai đoạn phòng thủ thì bây giờ chúng tôi phải tấn công để mở rộng kinh doanh và đối tượng khách hàng.”

Theo một số nhà phân tích, cho đến lúc này mọi việc đều thuận buồm xuôi gió. “Họ (Lenovo) đã và đang tiến triển tốt,” Marvin Lo, nhà phân tích thuộc Công ty BNP Paribas Peregrine tại Hồng Kông, cho hay.

Tuy nhiên, không phải tất cả các nhà quan sát đều nghĩ rằng Lenovo sẽ thành công từ thương vụ này. Một số người cảnh báo rằng mua lại công ty khác là một công việc khó khăn cho dù hoàn cảnh có thuận lợi đến mấy. Chẳng hạn, việc Hewlett-Packard hợp nhất với Compaq Computer Corp. là một ví dụ minh chứng những khó khăn mà các thương vụ mua lại công ty gặp phải. Một số khác lại tỏ ra lo lắng rằng những khác biệt về văn hóa và kinh nghiệm ít ỏi của Lenovo trong việc làm ăn ở nước ngoài sẽ là những thách thức cho đội ngũ quản lý của công ty.

Trong khi đó, các đối thủ cạnh tranh của Lenovo xem thương vụ này là một cơ hội để gây sự ngờ vực nơi khách hàng. Michael Dell, Chủ tịch của Dell Inc., một đối thủ của Lenovo, cho rằng thương vụ này ít có cơ may thành công. “Khi nào là lần cuối cùng mà bạn thấy sự hợp nhất hay mua lại công ty trong ngành công nghiệp máy tính mang lại sự thành công ? Nó chưa từng xảy ra, ít nhất trong thời gian gần đây," Dell nói vào tháng 12-2004.

Với niềm tin của mình, lãnh đạo Lenovo đã và đang cố chứng minh Dell và những ai không tán thành thương vụ này là sai. Công ty vẫn có lãi và duy trì hoặc mở rộng thị phần ở những thị trường trọng điểm. Nhưng quá trình mua bộ phận PC của IBM vẫn chưa hoàn thành và còn quá sớm để nói thương vụ này thành công, Yang nói.

Tấn công những thị trường mới

Hiện tại Lenovo dựa vào những thị trường mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ để đảm bảo sự tăng trưởng trong tương lai. Nhưng công ty cũng kỳ vọng sẽ thâm nhập vào những thị trường lớn trên thế giới như Mỹ, Yang nói.

Như một phần của nỗ lực này, Lenovo đang chuẩn bị tung ra thương hiệu máy tính riêng tại Mỹ và châu Âu, có thể bắt đầu bằng dòng sản phẩm máy tính để bàn dành cho các khách hàng là doanh nghiệp nhỏ và vừa (small and medium businesses - SMB).

Trả lời phỏng vấn của IDG News Service tại trung tâm nghiên cứu và phát triển của công ty ở Bắc Kinh gần đây, Yang khẳng định rằng đối tượng ưu tiên của công ty là SMB. Theo cơ cấu doanh số của Lenovo ngoài lãnh thổ Trung Quốc thì 75% là những công ty lớn và chỉ có 25% là SMB. Và hầu như không có bán lẻ cho khách hàng. Chiến lược của IBM và cả bộ phận sản xuất máy tính của nó chủ yếu tập trung vào các công ty lớn, hay còn gọi là khách hàng đối tác, ông Yang nói.

Còn ở Trung Quốc thì ngược lại. Ông Yang cho hay 75% khách hàng của Lenovo là khách hàng giao dịch, bao gồm SMB và người tiêu dùng. Theo ông, đây là tình hình thị trường chung trên toàn cầu. “Tôi tin rằng trên thế giới ít nhất 60% doanh số xuất phát từ khách hàng giao dịch : Người tiêu dùng chiếm 30-40% và SMB chiếm 30-40%,” ông nói. “Rõ ràng đó là cơ hội của chúng tôi.” Ngoài lãnh thổ Trung Quốc, SMB chiếm chỉ 25% doanh số bán hàng của Lenovo, cho nên, theo ông, Lenovo có cơ hội tốt để nâng tỷ lệ đó lên. “Đó là chìa khóa tăng trưởng.”

Như vậy, cuộc cạnh tranh để giành khách hàng là SMB sẽ trở nên gay gắt nhưng Lenovo tin tưởng rằng mình đủ mạnh để đánh bật đối thủ ra khỏi phân khúc thị trường SMB. “Chúng tôi có thể mạnh trong phân khúc thị trường này, vì vậy các công ty khác có khách hàng là SMB hãy cẩn thận. Chúng tôi sẽ giành lấy thị trường từ họ,” ông Yang nói một cách tự tin.

Theo dự kiến, máy tính mang nhãn hiệu Lenovo đầu tiên sẽ có mặt trên thị trường Mỹ và châu Âu vào đầu năm tới. Và tất cả những sản phẩm Lenovo hiện bán cho thị trường nội địa gồm máy tính rẻ tiền dành cho SMB, máy tính cao cấp, điện thoại di động và máy in sẽ được xuất khẩu qua những thị trường ấy. “Chúng tôi có chiến lược từng bước đưa các sản phẩm của chúng tôi ra thị trường thế giới. Bước đi đầu tiên của chúng tôi là cung cấp các sản phẩm dành cho SMB, đặc biệt là máy tính để bàn vì đây là sản phẩm Lenovo có thế mạnh ở Trung Quốc. Bước tiếp theo là cung cấp các sản phẩm tiêu dùng và sau cùng là các sản phẩm khác ngoài máy tính,” ông Yang cho biết như vậy.

Theo ông, việc thực hiện chiến lược kinh doanh từng bước là một chính sách hoàn hảo và rõ ràng. Vào đầu năm tới, những chiếc máy tính mang nhãn hiệu Lenovo dành cho SMB sẽ có mặt trên thị trường và trong nửa cuối năm 2006 máy tính cho người tiêu dùng cũng sẽ được tung ra. Công ty sẽ tiếp tục cho ra những sản phẩm khác vào những năm sau đó.

Minh Khôi tổng hợp

Thứ Bảy, 14/01/2006 09:43
31 👨 119
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp