Laptop thương hiệu nhỏ: Gian nan tìm chỗ đứng

Dù đã có mặt tại Việt Nam hơn một năm nay nhưng các dòng laptop như Axioo, MSI, BenQ hay Gateway vẫn chưa tạo được chỗ đứng trên thị trường. Hệ quả tất yếu là, một số thương hiệu chỉ còn cách cạnh tranh bằng giá cả với các tên tuổi lớn.

Nỗ lực giành thị trường

Giữa năm 2008, hàng loạt thương hiệu laptop mới được cho ra mắt tại thị trường Việt Nam như Samsung, Axioo, MSI, BenQ… với nhiều mẫu mã khá đa dạng từ văn phòng, doanh nhân đến giải trí. Vào thời điểm chip xử lý Atom vừa xuất hiện, cuộc đua netbook bùng nổ khá mạnh mẽ. Các thương hiệu nhỏ cũng nhanh chóng nhảy vào cuộc giành giật thị trường với mức giá đưa ra hấp dẫn hơn, hoặc đi tiên phong trong việc đẩy cấu hình khá cao cho netbook để phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

Điển hình như Axioo, MSI nhanh chóng ra mắt phiên bản netbook sử dụng ổ cứng thông thường với dung lượng lưu trữ 160 GB để đẩy lùi sức ép của các máy dùng ổ cứng SSD có dung lượng chỉ từ 4-8GB. Sau đó, các hãng laptop lớn cũng đã bắt kịp được nhu cầu về lưu trữ thoải mái của người tiêu dùng nên lập tức cho ra đời các phiên bản dùng ổ cứng dạng đĩa quay, giá thành thấp và có dung lượng cao hơn. Kết quả, các laptop thương hiệu mới vẫn chưa tạo được bước đi nào đáng kể và việc tìm cách trụ vững trên thị trường ngày càng khó khăn hơn.

Người dùng có xu hướng chọn thương hiệu quen thuộc cho an toàn (Ảnh: Laptoppicker)

Để tạo thế cạnh tranh mới, các hãng nhỏ đồng loạt giảm giá bán từ 10-20%. Bên cạnh đó, vài đại lý phân phối các thương hiệu này cũng đẩy mạnh hơn việc giảm giá bằng động thái hỗ trợ mức thuế VAT cho người tiêu dùng từ 2-5%, kèm theo các đợt khuyến mãi, tặng quà liên tục.

Cạnh tranh không nổi

Mặc dù rất nỗ lực, nhưng do không thể thay đổi thị hiếu người tiêu dùng, nhiều hãng laptop nhỏ phải dần lui bước.

Anh Nguyễn Đăng Hiếu, chủ đại lý phân phối laptop nằm trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP.HCM cho biết: “Dù có khá nhiều laptop thương hiệu mới giá khá tốt nhưng người tiêu dùng vẫn chuộng các dòng của các hãng như HP, Dell hay Acer. Các sản phẩm tên tuổi mới khác như MSI, Axioo, BenQ… chúng tôi không dám nhập về vì khó thể ra hàng được”. Nếu khách hàng có nhu cầu sắm các loại máy này, đại lý vẫn có thể nhận đặt hàng cho người mua.

Theo anh Võ Đăng Minh, chủ một cửa hàng laptop trên đường Nguyễn Văn Đậu, quận Bình Thạnh, những laptop thương hiệu mới có hiệu quả thực thi chẳng kém gì so với các thương hiệu trong nước với cùng cấu hình. Không những vậy, chúng lại có thế mạnh riêng.

Trong khi đó, hãng Samsung đã quá quen thuộc tại thị trường với nhiều mặt hàng điện tử khác nhưng cũng không thể tạo bước phát triển mạnh về laptop tại Việt Nam. Sở hữu thiết kế thời trang, cấu hình mạnh, laptop Samsung vẫn khó đến với người dùng Việt Nam. Với cấu hình máy tương đương, các dòng máy của Samsung luôn có giá cao hơn từ 1-2 triệu đồng. Chính vì vậy, đa phần các laptop của Samsung xuất hiện tại thị trường Việt Nam phần lớn chỉ là các sản phẩm xách tay hoặc đặt mua từ nước ngoài về.

Một gương mặt khác có thể kể đến là Astone, một thương hiệu laptop chuyên về các dòng netbook gần như đã không còn thấy xuất hiện tại thị trường Việt Nam, dù giá của dòng laptop trên thị trường có khi giảm đến hơn 50%. Thời điểm hiện tại, khá nhiều model của các dòng laptop trên đã giảm giá hơn 40% so với lúc mới ra mắt tại Việt Nam.

Cần tạo dựng tên tuổi bằng chất lượng

Anh Trần Đức Duy, chủ một cửa hàng laptop nằm trên đường Dân Chủ, quận Thủ Đức nhận định: “Tạo ra mức giá tốt là chưa đủ, các sản phẩm này cần khẳng định mình bằng chất lượng”.

Về mặt thị hiếu, người tiêu dùng Việt Nam vẫn chưa quen với những thương hiệu trên. Hơn nữa, sự phổ biến rộng rãi về hệ thống bảo hành cũng như đại lý phân phối sẽ quyết định đến việc chọn mua laptop của người tiêu dùng. Việc hệ thống phân phối và bảo hành mỏng manh, tên thương hiệu lạ lẫm khiến người tiêu dùng rối trí khi cần mua sắm máy. Thậm chí, do thiếu thông tin nên nhiều người đánh đồng những sản phẩm trên như là hàng kém chất lượng của Trung Quốc.

Để an toàn, người dùng thường chọn mua theo những cái tên quen thuộc. Khi cần đến một chiếc laptop có mức giá rẻ, người tiêu dùng vẫn thường chọn loại Acer hay Asus. Nếu cần những dòng máy cao cấp hơn, sự lưu ý lại "đổ" vào HP, Dell hay Sony… Lối suy nghĩ này không dễ thay đổi trong một sớm một chiều.

Chính vì vậy những thương hiệu mới cần đẩy mạnh hoạt động để người tiêu dùng có nhiều khả năng trải nghiệm chất lượng trên các sản phẩm của mình. Bên cạnh đó, cần có chiến lược lâu dài để liên tục tạo ra các dòng sản phẩm mới nhằm giữ vững sự quan tâm của khách hàng.

Thứ Tư, 04/11/2009 13:19
31 👨 467
0 Bình luận
Sắp xếp theo