ISP Độc lập: Thân cô thế cô

Người tiêu dùng có thể bị thiệt thòi do môi trường cạnh tranh giữa các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) chưa thật sự bình đẳng.

Điều kiện ngặt nghèo

Theo thông lệ quốc tế, nhà cung cấp DV Internet (ISP) được hiểu là tổ chức hoặc công ty cung cấp dịch vụ (DV) Internet, gồm DV truy nhập Internet (dial-up, ADSL, không dây, leased line) và các DV liên quan hoặc gia tăng giá trị như chuyển tiếp Internet (Internet transit), đăng ký, cung cấp tên miền, máy chủ đặt web, e-mail (hosting web, email)... ISP được nối với nhau qua Neutral Internet eXchange (NIX) để giải quyết lưu lượng nội địa, và nối với nhà cung cấp cấp trên (upstream Tier-1, Tier-2), thường để giải quyết lưu lượng quốc tế. NIX là hạ tầng công cộng trung lập để các ISP kết nối trên cơ sở thỏa thuận ngang hàng (peering).

Ở nước ta, theo ông Trần Bá Thái, giám đốc công ty NetNam: các ISP độc lập (không sở hữu hạ tầng) không có được điều kiện như vậy. Cụ thể, ISP độc lập chỉ được phép cung cấp DV truy nhập Internet chứ không được cung cấp các DV liên quan. Phía trên, họ bị chi phối hoàn toàn bởi IXP (theo quan niệm của Việt Nam là doanh nghiệp cung cấp DV kết nối Internet. Còn theo định nghĩa quốc tế, IXP là một phần bổ sung cho NIX, cho phép ISP kết nối ngang hàng với nhau, tránh phụ thuộc quá nhiều vào các nhà cung cấp cấp trên và tăng độ sẵn sàng hệ thống). Phía đầu cuối (phần gắn trực tiếp đến thiết bị người dùng như đường điện thoại dial-up, ADSL, leased line, không dây), các ISP độc lập bị lệ thuộc hoàn toàn vào các công ty viễn thông, mà các công ty viễn thông và các IXP, ISP phần lớn thuộc một thực thể (ISP-IXP-Telco). ISP độc lập không có bất cứ sự chủ động nào đối với phần đầu cuối này, trừ dial-up không còn khả năng kinh doanh. Trên thực tế các nhà viễn thông chỉ dành phần đầu cuối này cho ISP của riêng mình.

Ở giữa, ISP độc lập không có NIX để peering. Thực ra cũng có VNNIX do trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) thuộc bộ BCVT quản lý, chức năng gần như NIX nhưng không dành cho ISP, mà cho IXP, mà thực chất là chỉ cho các nhà viễn thông. Không có NIX, ISP phụ thuộc hoàn toàn vào IXP, mà thực chất là tổ hợp ISP-IXP-Telco.

Như vậy, theo ông Trần Bá Thái, cả về mặt pháp lý lẫn thực tiễn, có sự phân biệt quan trọng giữa nhóm ISP thuộc DN viễn thông và nhóm ISP độc lập, với hầu hết các điều kiện thuận lợi thuộc về nhóm ISP thành viên của DN viễn thông.

Những bất lợi chính đối với ISP độc lập: Không có nhiều lựa chọn trong cung cấp DV nếu không có thêm giấy phép cung cấp DV trực tuyến viễn thông trên nền Internet (OSP viễn thông); không thể thiết lập hoặc chia sẻ hạ tầng dưới bất kỳ hình thức hoặc quy mô nào, kể cả không dây trải phổ trong những băng tần ISM (dãy tần số hoạt động mà không cần cấp phép) 2,4 và 5,7GHz; hầu như không thể liên kết được với công ty viễn thông, dẫu cho liên kết này mang tính “hạt nhân - vệ tinh”; khó có thể thuê hạ tầng với giá có thể kinh doanh (10 năm qua hầu như không có ISP độc lập nào thuê hạ tầng để kinh doanh, ngoại trừ hạ tầng đi kèm DV kết nối Internet quốc tế của IXP cung cấp cho ISP); phải trả phí cho lưu lượng nội địa như phí quốc tế bởi các IXP chỉ cung cấp DV kết nối Internet quốc tế (IIG), không cung cấp DV NIX cho ISP như quy định của nhà nước (Quyết định 13 và 14/2002/QĐ-TCBĐ).

Tồn tại ngắc ngoải

Những điểm bất lợi đó khiến các ISP độc lập không có hoặc có rất ít kết nối ngang hàng lưu thông Internet nội địa (domestic Internet peering). Họ phải mua giá cao băng thông quốc tế cho cả lưu lượng nội địa (hiện chiếm khoảng 50% tổng lưu lượng). Trong triển khai DV giá trị gia tăng (hosting web, hosting tên miền, email, điện thoại qua Internet...), họ gặp nhiều khó khăn do phải tận dụng tối đa băng thông quốc tế, mặc dù một phần quan trọng chỉ dùng băng thông nội địa. Điều này gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng DV. Họ cũng không thể triển khai DV Internet băng rộng ADSL hoặc không dây, trong khi dial-up không còn ý nghĩa kinh doanh. Tại “Hội nghị quốc gia về phát triển Internet” tháng 5/2007, đại diện công ty QTNet cho biết các ISP độc lập phải thuê kênh và hosting tại các IXP với giá cao nên khó có thể có lợi nhuận. Đó cũng là lý do QTNet cũng như nhiều ISP khác mặc dù được cấp phép từ lâu nhưng vẫn không thể cung cấp DV Internet.

Trước thực trạng đó, một số ISP độc lập phấn đấu trở thành công ty viễn thông, số còn lại xin phép cung cấp OSP viễn thông và làm thêm việc khác, mở rộng ngành nghề kinh doanh để tìm cơ hội sống sót cho đến khi nhà nước điều chỉnh chính sách. Tuy nhiên, theo ông Trần Bá Thái, phần lớn các ISP này khó lòng chờ đợi đến năm 2010, mốc kết thúc phát triển chiến lược đến 2010 của ngành BCVT. NetNam là một trong những ISP đi đầu trong phát triển Internet ở Việt Nam nhưng hiện nay DV Internet của công ty này cũng đang "ngắc ngoải". Đương nhiên, khi môi trường cạnh tranh chưa thật sự bình đẳng thì không chỉ có các ISP độc lập thiệt thòi, mà người tiêu dùng cũng phải chịu thiệt thòi.

Trước thực trạng nêu trên, ông Trần Bá Thái kiến nghị bộ BCVT yêu cầu các IXP tuân thủ thông tư 04/2001/TT-TCBĐ, quyết định 13 và 14/2002/QĐ-TCBĐ cung cấp hợp lý, đầy đủ hai DV IIG và NIX cho các ISP, và cho phép các ISP được kết nối VNNIX; xem xét ban hành thông tư mới hướng dẫn thi hành nghị định 55 thay cho thông tư 04 của tổng cục Bưu Điện nay không còn phù hợp.

Nguyễn Bo

Thứ Bảy, 25/08/2007 08:02
31 👨 426
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp