Khởi nghiệp: 4 điều cần nhớ khi xảy ra mâu thuẫn giữa các thành viên trong nhóm sáng lập

Mâu thuẫn nếu biết cách kiểm soát sẽ giúp quan hệ hợp tác thêm bền chặt.

Trong bất kỳ mối quan hệ hợp tác nào thì sự bất đồng cũng là điều không thể tránh được, ngay cả khi các cuộc tranh luận diễn ra trong không khí thoải mái, tự do và dường như ai cũng tôn trọng ý kiến của nhau. Trong môi trường làm việc còn non nớt, thiếu kinh nghiệm và chưa vững vàng về cấu trúc tổ chức như các startup thì bất đồng có khả năng sẽ xảy ra thường xuyên với mức độ cao hơn. Thậm chí, nếu không thể kiểm soát thì mâu thuần còn có khả năng "lây nhiễm". Trong cuốn sách bán chạy The Founder's Dilemmas (Tạm dịch: Thế lưỡng nan của nhà sáng lập), giáo sư Noam Wasserman đến từ Đại học Kinh doanh Harard đã đưa ra một con số gây "sốc" rằng (dựa trên một nghiên cứu được thực hiện với 10.000 Founder của 4.000 startup): 65% những startup có tiềm năng phát triển đều thất bại chỉ bởi vì không thể dàn xếp được mâu thuẫn giữa các nhà sáng lập trong nhóm khởi nghiệp.

Khởi nghiệp

Vậy thì giải pháp nào để giải quyết mâu thuẫn hay chính xác hơn là làm thế nào để khiến các tình huống bất đồng ý kiến không trở nên nghiêm trọng giữa các nhà sáng lập? Dưới đây là chia sẻ của các nhà khởi nghiệp thành công đến từ Đông Nam Á – những người đã từng đối mặt với các tình huống tương tự, câu chuyện của họ như thế nào và bí quyết giúp họ giữ hòa khí với các đồng sáng lập để có được thành công như hiện tại.

1. Kiểm soát "cái tôi" của bạn

Theo Quek Siu Rui – đồng sáng lập của ứng dụng sàn thương mại điện tử Carousell kết nối trực tiếp người mua và người bán, chạy trên các thiết bị sử dụng hệ điều hành Android và iOS, có trụ sở tại Singapore – chia sẻ: "Chúng tôi tập trung cao độ vào sứ mệnh đã định hướng từ ban đầu, đồng thời thiết lập một thỏa thuận chung rằng những vấn đề cá nhân và cái tôi của mỗi người cần phải được kiểm soát".

Carousell được thành lập vào năm 2012 bởi 3 chàng trai trẻ đến từ trường Đại học Quốc gia Singapore. Sau một thời gian hoạt động và đạt được thành công nhất định (8 triệu sản phẩm đăng bán, thực hiện 8 giao dịch/phút....) thì startup này đã nhanh chóng thu hút được nguồn vốn 6,8 triệu USD từ rất nhiều quỹ lớn như Golden Gate Ventures, Sequoia Capital, 500 Startups, Rakuten và một số nhà đầu tư khác.

"Chúng tôi luôn nói với nhau rằng điều gì tốt nhất cho tất cả những người dùng trung thành với Carousell thì sẽ giúp chúng ta đứng vững và tiến thẳng trên con đường hoàn thành sứ mệnh đã định. Mỗi thành viên đều thoải mái với các phản hồi và ý kiến từ những thành viên còn lại trong nhóm".

Đồng tư tưởng với Carousell, Xurpas – startup được sáng lập bởi Raymond Racaza, Nix Nolledo Fernando Garcia năm 2011 chuyên thiết kế ứng dụng và game cho các thị trường Đông Nam Á cũng đã nhanh chóng đạt được thành công rất đáng tự hào khi trở thành một trong những công ty công nghệ lớn nhất ở Philippines. Khi nói về mâu thuẫn giữa các thành viên sáng lập, Racaza nói rằng: "Chúng tôi luôn luôn duy trì một mối quan hệ chuyên nghiệp. Chúng tôi đưa ra các lời phê bình mang tính xây dựng. Một vài người có ý biến nó thành các cuộc nói chuyện riêng tư nhưng chúng tôi không làm như vậy. Tất cả các thành viên đều hiểu là ai cũng muốn tốt cho nhau và chúng tôi làm việc vì lợi ích của toàn đội".

2. Không nhầm lẫn vai trò, nhiệm vụ của nhau

Nếu tất cả các cá nhân trong một tổ chức đều có chung một suy nghĩ thì quả rất tuyệt vời. Tuy nhiên, điều này cũng dẫn tới một thức tế là đôi khi sự giống nhau, cũng giống như sự khác biệt đều có thể gây ra rắc rối. Nếu các nhà sáng lập cùng giỏi về một lĩnh vực nào đó thì mâu thuẫn sẽ xảy ra khi phải đưa ra quyết định liệu rằng ai là người tốt nhất để đảm nhận công việc.

Startup

Racaza chia sẻ rằng Xurpas rất may mắn đã tránh được vấn đề này: "Chúng tôi không bao giờ bị chồng chéo công việc của nhau. Tôi quản lý các hoạt động. Đam mê của tôi là biến một ý tưởng đơn thuần thành một ý tưởng sản phẩm khả thi, sau đó phát triển và chạy thử nó. Vai trò của tôi là lái con tàu. Đồng sáng lập của tôi là người chịu trách nhiệm về viễn cảnh của Xurpas: chúng tôi sẽ đi trên con đường nào, về đâu, cơ hội là gì, thử thách có khắc nghiệt không..... Còn người thứ ba sẽ phụ trách về mảng công nghệ vì anh ấy là một kiến trúc sư. Phân rõ vai trò như vậy khiến cả đội có thêm động lực và điều này đã được chứng minh trong những năm qua. Chúng tôi là đối tác của nhau kể từ ngày Xurpas ra đời và bây giờ, chúng tôi vẫn như vậy".

3. Không đổ lỗi

Ashwin JeyapalasingamViren Doshi – hai nhà sáng lập của CatchThatBus - startup gây được tiếng vang lớn trong lĩnh vực giao thông vận tải của Malaysia nhấn mạnh các thành viên trong nhóm khởi nghiệp không nên nhìn vào mắt nhau thường xuyên. Tuy nhiên, ở những thời điểm phù hợp thì việc quan sát biểu hiện của đối phương sẽ giúp hiểu ý nhau và dễ dàng kiểm soát mâu thuẫn hơn.

Theo Jeyapalasingam, "quan hệ hợp tác thành công/lành mạnh – bất kể dưới hình thức nào, cho dù đó là cá nhân hay công việc – thì điều quan trọng là, một khi quyết định chung đã được thống nhất, cả hai đều phải chấp nhận kết quả và hậu quả của việc thi hành quyết định đó. Không bao giờ được đổ lỗi cho nhau vì bất kỳ lý do nào cả".

Jeyapalasingam chia sẻ thêm: "Mâu thuẫn gần đây của chúng tôi đó là trường hợp một đối thủ cạnh tranh giảm giá thấp để giành giật khách hàng. Chúng tôi đã có một quyết định khó khăn trong việc liệu rằng có nên chấp nhận ký hợp đồng không có lợi để giữ khách hàng hay là duy trì mức giá ban đầu và mặc cho đối thủ hạ giá (mất khách hàng). Cuối cùng, tất cả các thành viên chọn phương án thứ hai dù vẫn có sự khác biệt về quan điểm. Rất may là ngay sau đó, ai cũng vui vẻ với khoản lỗ, rút kinh nghiệm và tiếp tục tìm kiếm những cơ hội mới".

4. Chia sẻ với một người ngoài công ty

Tìm kiếm một người ngoài công ty đóng vai trò trung gian và xin lời khuyên từ họ là một giải pháp hợp lý.

Nhóm khởi nghiệp

Vinnie Lauria – đối tác sáng lập của Golden Gate Ventures đã chia sẻ với các cộng sự của mình rằng: "Thi thoảng, bạn không thể thảo luận với đồng sáng lập của mình một vấn đề gì đó và có lẽ cũng rất khó khăn khi trình bày nó trước các nhà đầu tư. Lúc này, giải pháp tốt nhất là chia sẻ cho một thành viên sáng lập khác. Họ có thể cũng đã từng trải qua tình huống rắc rối như bạn và có thể đưa ra cho bạn một vài lời khuyên hữu ích".

Đối với Jeyapalasingam, việc có một mạng lưới các cố vấn đóng vai trò rất quan trọng. "Chúng tôi rất may mắn khi có sự hỗ trợ của những người trung lập mà có thể đưa ra các lời khuyên một cách khách quan nhất – bất kể họ là chuyên gia đến từ một startup khác, nhà đầu tư hay một cố vấn".

Sau tất cả những bí quyết trên thì điều quan trọng nhất vẫn là giao tiếp. Nghe có vẻ hiển nhiên nhưng nhiều nhà sáng lập thường để cho cảm xúc và "cái tôi" của mình lấn át khiến mâu thuẫn càng trở nên nghiêm trọng. Khi cảm xúc đã bùng nổ thì cuộc thảo luận không còn dựa trên lý trí nữa.

Mâu thuẫn là điều khó tránh khỏi nhưng nếu kiểm soát tốt thì nó hoàn toàn có thể thắt chặt thêm quan hệ đối tác giữa các thành viên trong nhóm khởi nghiệp.

Thứ Ba, 28/06/2016 15:21
31 👨 636
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Kỹ năng Công việc