Khởi đầu năm mới với máy tính "sạch"

Một trong những giải pháp làm mới máy tính cũ một cách toàn diện là cài lại hệ điều hành.

Có nhiều lý do chính đáng để cài lại hệ điều hành máy tính, phổ biến nhất là Windows XP. Có thể là do những file hệ thống bị tổn hại không thể phục hồi được hay lỗi ổ cứng buộc phải cài lại máy tính. Cũng có thể do virus phá hoại chỉ có cách format ổ cứng và cài lại Windows mới xử lý được.

Cần có sự chuẩn bị để tránh một số rắc rối của quá trình cài đặt. Trước tiên, cần biết là bạn phải cài lại tất cả các ứng dụng và nếu một số chúng không cho phép lưu thiết lập cấu hình, cần nhập lại cấu hình các ứng dụng này. Đây là một điều bất tiện của việc cài lại hệ điều hành.

Bước đầu tiên trong việc cài lại Windows là lập danh sách các yêu cầu phần mềm và phần cứng. Bởi vì cài đặt lại hệ điều hành nghĩa là bạn cần cài lại một lượng đáng kể phần mềm, do đó cần chắc chắn bạn đã có chúng trong tay trước làm cái gì.

Bạn sẽ cần có một bộ đĩa cài Windows chuẩn, cũng như các đĩa đi kèm theo các phần cứng đặc biệt. Quan trọng nhất là cần chú ý tới đĩa CD ROM đi kèm theo bo mạch chủ, chứa các driver cho các ứng dụng chạy trên bo mạch như các adapter (điều hợp) âm thanh, video, mạng và các tính năng chipset quan trọng khác. Nếu bạn không có đĩa kèm theo bo mạch chủ, cần tải chúng từ trang web của nhà sản xuất trước khi tiến hành cài lại hệ điều hành. Ngoài ra, các đĩa cài đi kèm thiết bị ngoại vi như máy in… nếu không còn đều có thể tải trực tiếp trên mạng, cụ thể là trang web của nhà sản xuất.

Bước tiếp theo là cần sao lưu ra ổ cứng ngoài hoặc thẻ nhớ các dữ liệu quan trọng chứa trên phân vùng ổ cứng đang chứa hệ điều hành. Nhu cầu sao lưu của mỗi người khác nhau nhưng nói chung bạn có thể lưu gần hết bằng việc sao lưu toàn bộ thư mục My Documents, theo mặc định đó là đường dẫn để lưu tất cả file tài liệu, các địa chỉ web hay truy cập (favorites) của trình duyệt, ảnh, nhạc, video và tất cả các dữ liệu Outlook...

Khi đã lưu trữ dự phòng hết dữ liệu quan trọng và có đĩa cài đặt cần thiết, hãy hít hơi thở sâu, nhét đĩa cài Windows vào và khởi động lại máy tính. Nếu máy tính không khởi động từ ổ đĩa CD/DVD, bạn cần vào BIOS (ngay khi máy vừa khởi động, bấm phím "del", hoặc F1, F2, F12... tùy từng loại mainboad) và lựa chọn ưu tiên khởi động từ ổ đĩa CD/DVD ROM (thông thường lựa chọn này nằm trong menu Boot hoặc BIOS Configuration với dòng chứ "First boot devices"). Nếu bạn không chắc chắn về các thiết lập BIOS, đừng làm mò, nên hỏi ý kiến người có am hiểu.

Sau khi đã có thể khởi động Windows từ ổ đĩa CD/DVD, làm theo hướng dẫn để cài lại Windows, đầu tiên xóa bỏ phân vùng ổ đĩa hiện tại, thường là ổ C. Khi việc cài tiếp tục, bạn sẽ được hỏi chọn format lại toàn bộ toàn bộ (full format) hay forrmat nhanh (quick format). Chọn format nhanh, sau đó Windows sẽ tự cài đặt. Quá trình cài đặt ước chừng mất khoảng 30 phút là hoàn thành.

Sau khi quá trình cài đặt kết thúc, bạn sẽ có hệ điều hành sạch, không lỗi. Với hệ điều hành mới, máy tính không chỉ chạy nhanh hơn mà quan trọng hơn là ổn định hơn. Khi việc cài lại hoàn tất, đưa đĩa kèm cài của bo mạch chủ vào máy tính để cập nhật driver cho các thiết bị như card mạng, card sound (âm thanh), card đồ họa (nếu là loại mainboad có tích hợp VGA) và chipset. Sau đó, copy toàn bộ thư mục My Documents và những dữ liệu sao lưu dự phòng khác vào máy tính. Ngay sau khi cài lại hệ điều hành, ứng dụng đầu tiên cần cài là phần mềm diệt virus. Bảo mật càng sớm càng tốt.

Chỉ mất khoảng một giờ cho việc cài đặt lại, bạn sẽ có máy tính cũ sạch, chạy nhanh và ổn định. Việc cài đặt lại hệ điều hành cho máy tính nhiều khi còn giá trị hơn là nâng cấp một số thiệt bị phần cứng.

Thứ Ba, 03/02/2009 07:56
52 👨 1.414
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Kiến thức cơ bản