Khi nào dùng lấy nét tay

Với một số trường hợp, người chụp cần phải biết cách ứng dụng khả năng lấy nét tay vốn có của ống kính để ảnh chụp tốt hơn.

Sự phát triển của máy ảnh số cho phép người sử dụng dễ dàng bắt lại nhiều khoảnh khắc độc đáo trong cuộc sống. Một trong những yếu tố đưa đến thành công đó là khả năng lấy nét của máy, bao gồm lấy nét tự động, lấy nét liên tiếp đối với vật thể chuyển động và lấy nét tay. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, ngay cả những chiếc máy DSLR với hệ thống lấy nét tự động tiên tiến nhất cũng phải bó tay, hoặc cho kết quả rất tồi tệ. Khi đó, người dùng cần phải biết cách ứng dụng khả năng lấy nét tay vốn có của ống kính để ảnh chụp tốt hơn.

Dưới đây là những trường hợp lấy nét tay hiệu quả hơn chế độ tự động.

1. Chụp macro


Ảnh macro của tác giả Mike.P, sử dụng ống kính Tamrom 90mm f/2.8 Macro và Vivitar 2x Macro Tele Converter.

Nhiều người nghĩ rằng chụp macro thì nên sử dụng lấy nét tự động vì đối tượng chụp thường rất nhỏ lại hay di chuyển, nên nếu lấy nét tay thì sẽ khó chụp. Điều này không hoàn toàn đúng.

Khi chụp macro, nhất là khi kết hợp ống kính macro chuyên dụng và bộ nối ống, trường ảnh nét thường là rất hẹp và rất khó lấy chính xác bằng AF nên người chụp cần tỉ mẩn lấy nét bằng tay từng chút một để điều chỉnh DOF rơi vào đúng đối tượng cần chụp. Sử dụng tripod để triệt tiêu các chuyển động gây rung máy, rung ống kính dẫn đến lấy nét sai.

Ảnh macro thật sự yêu cầu tái hiện chi tiết đối tượng, nên hãy học cách lấy nét tay thuần thục. Còn nếu nhu cầu chỉ là close-up và không cần đối tượng quá chi tiết thì AF là đủ.

2. Ánh sáng yếu

Trong điều kiện ánh sáng yếu, máy ảnh rất khó lấy nét chuẩn vào đối tượng và ống kính sẽ thường bị hiện tượng "focus hunting" để tìm điểm lấy nét. Điều này kéo dài quá trình chụp và khó bắt lại được khoảnh khắc đáng giá. Chuyển sang lấy nét tay sẽ giúp lấy nét chính xác và chụp ảnh trong điều kiện ánh sáng yếu dễ dàng hơn.

3. Chân dung


Ảnh của tác giả BigBrotherBear.

Khi chụp chân dung cần đặc biệt chú ý lấy nét.

Trong những tấm ảnh chụp người, đôi mắt là nơi thể hiện cảm xúc rõ ràng nhất nên cần được thể hiện đúng nét. Thông thường, cách chụp chân dung hay được áp dụng là lấy nét tự động vào mắt rồi bố cục lại ảnh, tức là với mỗi bức, người chụp đều phải lặp lại quá trình này. Vì vậy, nếu sử dụng lấy nét tay, người chụp đã tiết kiệm được thời gian cho quá trình bố cục bức ảnh, đồng thời cũng dễ dàng thể hiện được ý tưởng của mình.

4. Chụp qua kính, hàng rào


Ảnh của Selen Ediger.

Thông thường, khi chụp qua cửa kính hoặc hàng rào, máy ảnh rất khó phân biệt được vùng nào để lấy nét do có không phân biệt được đối tượng chụp. Trong trường hợp này, lấy nét tay dễ dàng xác định được vùng ảnh rõ và đối tượng muốn chụp. Ngoài ra, nếu với khẩu độ lớn và để gần thì có thể dễ dàng loại bỏ sự chú ý của người xem lên cửa kính, hàng rào… hướng người xem tập trung vào đối tượng chụp chính.

5. Chụp ảnh thể thao, hành động


Ảnh của Natacha Pisarenko.

Khi chụp ảnh thể thao hay hành động, đối với đối tượng di chuyển nhanh (đua xe, chạy việt dã hay chim chóc, động vật di chuyển), nhiều khi máy ảnh sẽ bắt nét sai làm hỏng toàn bộ bức hình, thậm chí cả series. Ngay cả khi sử dụng chế độ bắt nét liên tục, người chụp cũng dễ dàng để lỡ frame hình ưng ý vì không lia máy kịp với chuyển động. Lấy nét tay trước vào khu vực đối tượng sẽ di chuyển qua (pre-focus) rồi chụp lại khoảnh khắc khi đối tượng đi qua sẽ giúp cải thiện tình hình. Để làm được việc đó, người chụp cần căn thời gian thật chuẩn và sử dụng chế độ chụp liên tục.

Thực hành.

Kỹ thuật lấy nét tay tương đối khó, nhưng căn bản và cần thiết. Người chụp nên thực hành cho thuần thục, bắt đầu đối bằng đối tượng đứng yên và dần nâng cao với đối tượng chuyển động ở tốc độ khác nhau.

Thứ Hai, 21/02/2011 11:00
31 👨 393
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp