iPhone 2G 'hàng dựng'

Giống như di động BlackBerry, iPhone thế hệ đầu đã xuất hiện "hàng dựng" và được bán dưới chiêu bài hàng mới trên thị trường.

Bắt đầu có mặt trên thị trường từ năm 2006, đến khi iPhone 3G bán ra (7/2008), Apple đã ngưng sản xuất iPhone thế hệ đầu để nhường chỗ cho việc phát triển di động mới của hãng.

iPhone "hàng dựng" được rao bán với tên gọi là máy mới. Ảnh: Quốc Huy.

Tuy nhiên, trên thị trường xách tay tại Việt Nam, iPhone cũ (hay còn gọi là iPhone 2G, để phân biệt với iPhone 3G), vẫn còn được bán rất nhiều. Và không ít trong số đó, được các chủ hàng giới thiệu là điện thoại mới.

Dạo qua các trang web bán hàng online, đầy rẫy các topic với tiêu đề, "bán iPhone 2G mới", "iPhone like new" hay "fullbox"... Nhiều người bán hàng còn cam kết, khách hàng đến, họ mới đập hộp, hàng không một vết xước. Với giá bán từ 6,5 đến 7,5 triệu đồng, các model được gọi là "iPhone mới tinh" các phiên bản từ 4 tới 8 GB được chào hàng rất nhiệt tình.

"Trước đây rất thích iPhone, nhưng giá cao quá, giờ thấy máy cũng chỉ bằng một chiếc 5800 XpressMusic nên tôi đã mua một chiếc để dùng", anh Nguyễn Đức Minh (Đống Đa - Hà Nội) kể. "Máy và hộp đựng rất mới, anh chủ hàng cho biết iPhone vừa 'bóc tem", tôi mang về dùng thử thấy ổn, nhưng khi người bạn của tôi mang đi cập nhật firmware mới thì máy 'lăn đùng ra chết', hỏi ra mới biết tôi mua phải hàng dựng", Anh Minh cho biết.

"iPhone 2G 'hàng dựng' đã xuất hiện trên thị trường mấy tháng nay", anh Đỗ Ngọc Tú (Hai Bà Trưng - Hà Nội), một người chuyên bán hàng xách tay khẳng định. Đó là những model cũ, được làm lại vỏ, hộp máy. "Hầu như tất cả đều có xuất xứ từ Trung Quốc, được dân buôn đưa từ biên giới phía Bắc về", anh Tú cho biết.

Máy "dựng" thường được mài hoặc thay vỏ và không còn nguyên bản. Ảnh: Quốc Huy.


Giống như điện thoại O2 hay BlackBerry, iPhone hàng dựng không phải là điện thoại "nhái". Máy vẫn sử dụng bộ "ruột" với các trang bị về phần cứng bên trong của một model cũ. Nhưng vỏ ngoài do sử dụng lâu, sẽ được thay hoặc mài lại giống như điện thoại mới.

Cũng chính vì thế mà iPhone "hàng dựng" có tính năng không khác iPhone mới của Apple. "Vì vậy, những cách phân biệt như cảm ứng đa điểm không nhạy, cài phần mềm kém hay kết nối với iTunes, xem IMEI hoàn toàn không hiệu quả", anh Đỗ Ngọc Tú cho biết.

Nếu iPhone được mài để mới hơn, phần lớn lớp vỏ ngoài có màu đậm, nhám và không có độ bóng, hình quả táo phía sau lõm xuống, chứ không ép sát như iPhone nguyên bản. Bên cạnh đó, các mép máy cũng không sát và phẳng, so với phần gương bên trên, có thể sẽ bị cao hoặc thấp hơn vành inox.

Do là hàng cũ, nên máy thường bị bung ra, sửa chữa hoặc thay đồ, việc cài đặt các phần mềm mới sẽ không được "nuột". Theo nhiều người dùng iPhone có kinh nghiệm, máy "hàng dựng" rất dễ "chết" khi cập nhật firmware. Vì thế, các chủ hàng dù thông báo là bán hàng mới, nhưng không dám bảo hành khi up firmware mới.

Thứ Tư, 27/05/2009 10:23
31 👨 1.112
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp