ICT 2007: Quả chín trên cành, hái sao đây?

Năm 2007 cũng là năm hứa hẹn tăng tốc của nhiều dịch vụ như ADSL, điện thoại đường dài, thông tin di động... bởi sự giảm giá của nhiều dịch vụ. Vấn đề còn lại chỉ là chất lượng của công nghệ và dịch vụ để hướng thị trường đi vào thực chất.

Năm 2006 khép lại với ngành Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt Nam (ICT) khá bận rộn và đầy ắp những sự kiện lớn mà mỗi sự kiện đều hứa hẹn mang đến cho năm 2007 một cơ hội mới. Tuy nhiên, lời giải cho việc có nắm bắt được cơ hội hay không và nắm bắt như thế nào cũng vẫn không hề đơn giản, nhất là khi sân chơi WTO đã mở…

Những tác động nhiều chiều

Một trong những sự kiện nổi bật nhất của năm 2006 đó chính là chiếc giấy phép đầu tư xây dựng dự án nhà máy lắp ráp và kiểm thử chip (ATM) tại Khu Công nghệ Cao TP Hồ Chí Minh, với số vốn 605 triệu USD, được cấp ngày 28/2/2006 cho Intel - Tập đoàn sản xuất bộ vi xử lý hàng đầu thế giới.

Không dừng lại ở đấy, 9 tháng sau, Tập đoàn này đã quyết định mở rộng quy mô và nâng mức vốn đầu tư dự án lên 1 tỷ USD, đưa nhà máy ATM của Intel tại Việt Nam trở thành nhà máy lớn nhất trong hệ thống các cơ sở lắp ráp và kiểm định chip bán dẫn của Intel trên toàn cầu.

Sự kiện đã gây một tiếng vang lớn, có ý nghĩa quan trọng trong việc thu hút sự quan tâm của giới đầu tư nước ngoài về môi trường đầu tư của Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao. Theo nhận định trên tờ Bangkok Post, đây là một trong 2 điểm mà Thái Lan đã "thua" Việt Nam trên lĩnh vực ICT năm 2006.

Theo ông Thân Trọng Phúc, Tổng Giám đốc Intel Việt Nam, điểm chú trọng nhất của dự án chính là đào tạo nguồn nhân lực. Intel sẽ có chương trình hợp tác cụ thể với Chính phủ về vấn đề này. Bên trong Tập đoàn cũng có một "đại học Intel" sẽ đào tạo thêm cho nhân viên với hy vọng "sẽ tuyển được 70% lao động là sinh viên mới ra trường, để đào tạo, uốn nắn theo cách làm việc của Intel".

Đây chính là tín hiệu rất đáng mừng mà các tài năng trẻ của chúng ta cần nắm bắt. Bởi một cung cách và một môi trường làm việc chuyên nghiệp sẽ là bệ phóng không gì tốt hơn cho giới trẻ trong thời đại kết nối ở chính lĩnh vực kết nối này.

Không được như dự án 1 tỷ USD của Intel, nhưng chuyến thăm của Chủ tịch kiêm Kiến trúc sư trưởng Tập đoàn Phần mềm khổng lồ thế giới Microsoft - Bill Gates vào ngày 22/4/2006 lại được đánh giá là sự kiện nổi bật nhất tính về bề nổi. Với tầm ảnh hưởng của người giàu nhất hành tinh này, đây được coi là sự kiện có tác động hết sức quan trọng tới sự phát triển của công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam nói riêng và hình ảnh của Việt Nam trong con mắt cộng đồng thế giới nói chung.

Cũng không hổ danh là người có tài kinh doanh, sự có mặt của Bill Gates tại Việt Nam hầu như chưa hứa hẹn gì cho những đột biến về đầu tư của Microsoft tại Việt Nam, nhưng lại có tác động to lớn để hãng phần mềm lớn nhất thế giới này bắt đầu thời kỳ "gặt hái" tiền bản quyền tại thị trường của chúng ta. Sau nhiều năm nhìn người khác sử dụng chùa phần mềm của mình tại Việt Nam, Microsoft đã có được những hợp đồng bản quyền phần mềm nặng ký đầu tiên như với Bộ Tài chính, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, FPT, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam…

Trên thực tế, sự kiện Microsoft bắt đầu "gặt hái" tiền bản quyền phần mềm cũng trùng với thời điểm Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), điều này có nghĩa là chúng ta bắt buộc phải giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền.

Tuy nhiên, nếu ngay bây giờ không có một quyết sách chung về vấn đề này, không có một cơ quan đứng ra có những thỏa thuận khung mà cứ để các doanh nghiệp (DN) mạnh ai nấy chạy theo kiểu lệ thuộc vào các mối quan hệ riêng của từng DN với đối tác theo lời ngon ngọt của các nhà đại lý (kẻ được trục lợi bởi những khoản hoa hồng béo bở) thì thiệt hại sẽ rơi vào Nhà nước, vào các DN "thấp cổ bé họng". Bài toán bản quyền phần mềm xem ra sẽ là vấn đề nổi cộm của năm 2007 và lời giải sớm hay muộn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến toàn cục của ngành ICT Việt Nam không chỉ trong năm mà cả giai đoạn phát triển sau này.

Trên đã thông...

Cú hích quan trọng nhất của thị trường ICT về nội lực đó là Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ trực tiếp làm Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về CNTT. Việc lần đầu tiên, người đứng đầu Chính phủ đảm nhận cương vị này được kỳ vọng sẽ mang lại những đột phá phát triển mới, mạnh mẽ và hiệu quả hơn, cho ứng dụng và phát triển CNTT Việt Nam giai đoạn tới.

Nhìn nhận vấn đề này, Bộ trưởng Bộ BCVT Đỗ Trung Tá cho biết: "Khi một người đứng đầu Chính phủ nhận vai trò này chứng tỏ Chính phủ đánh giá vai trò quan trọng của lĩnh vực CNTT như một động lực của sự đột phá cải cách hành chính cũng như nền kinh tế - xã hội. Với các chỉ đạo tương đối quyết liệt cũng như từ kinh nghiệm khi Thủ tướng chỉ đạo Ban Chỉ đạo quốc gia về phóng vệ tinh Việt Nam thì những quyết sách của Thủ tướng trong những cuộc họp của Ban Chỉ đạo sẽ trở thành điều kiện thuận lợi cho quá trình thực hiện".

Tuy nhiên, việc triển khai ứng dụng ICT phụ thuộc rất nhiều vào sức mạnh của các DN mà đến thời điểm hiện nay đang bộc lộ rất nhiều vấn đề. Tại lĩnh vực viễn thông, cùng với "người già lâu năm" - VNPT (Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam) thì mới chỉ có Viettel là có tiềm năng bứt phá. Nhìn khách quan, VNPT dù vẫn giữ mức tăng trưởng đều đặn nhưng đã không thể có bước đột phá cho giai đoạn mới bởi sự nặng nề và già cỗi của mình. Hy vọng, với một loạt các DN thành viên của Tập đoàn đã và sẽ cổ phần hoá trong năm nay, sẽ là những đòn bẩy để VNPT có sức bật mới.

Viettel, với thế mạnh đi sau, tập trung nhiều vào các dịch vụ mới có sức phát triển lớn đang ngày càng khẳng định vị thế của mình. Mặc dù vậy, DN này cũng đang bộc lộ điểm bất cập như sự lớn mạnh quá nhanh dễ dẫn đến sự bất cân bằng của quản lý, sự phân cấp chưa rõ ràng và còn phụ thuộc quá nặng nề vào những đầu tàu mà nếu không điều chỉnh nhanh, sẽ khiến Viettel có thể rơi vào tình trạng thiếu nguồn nhân lực kế cận đủ tầm tương xứng với tốc độ phát triển.

Các DN viễn thông khác mới chỉ dừng lại ở một số dịch vụ "ngon ăn" nhưng cũng đầy cạnh tranh. Cuối năm 2006, thêm hai mạng di động công nghệ CDMA là 092 (HanoiTelecom-HT) và 096 (Viễn thông Điện lực-EVN) đã góp mặt đủ 6 nhà cung cấp di động trên thị trường Việt Nam.

Sự xuất hiện này đồng thời tạo nên thế cân bằng 3 - 3 của công nghệ CDMA (S-Fone, HT và EVN) với công nghệ GSM (MobiFone, VinaPhone và Viettel). Thị trường thông tin di động vì thế cũng hứa hẹn một sự sôi động mới với nhiều sự chọn lựa hơn cho người sử dụng. Tuy nhiên, bất cập cũng đi kèm đó là vấn đề chất lượng. Năm 2006 là năm mà khách hàng phiền lòng nhất từ trước tới nay về chất lượng của các mạng di động với các vụ việc liên tiếp xảy ra như: rớt cuộc gọi, tính cước sai, tin nhắn chậm hay thuê bao "chết" trong vùng phủ sóng…

Đi xuống nhất là mạng MobiFone, họ đã không giữ được ngôi vị "nhà cung cấp TTDĐ có chất lượng tốt nhất", với tình trạng chập chờn mạch và rơi sóng kéo dài nhiều ngày. Trong khi đó, các mạng di động vẫn liên tục lao vào các cuộc chạy đua khuyến mãi gây sốc để thu hút các thuê bao mới đã tạo nên một thị trường thuê bao ảo tăng vọt, chiếm tới trên 50% số thuê bao phát triển mới.

Nguồn: CAND
Nếu tiếp diễn, thị trường ảo này, ngoài việc khiến uy tín các DN giảm sút còn kéo theo sự ảo của cạnh tranh dẫn đến hiệu quả lợi nhuận thấp sẽ là những yếu tố làm suy yếu chính các DN. Trong lĩnh vực CNTT, các DN hầu hết vẫn chỉ ở mức tầm tầm bậc trung, chưa có DN nào nổi lên với sức bật mạnh mẽ đáng phải có ở thời điểm này khiến FPT vẫn độc bá với doanh số năm 2006 dù mới chỉ đạt 99% kế hoạch đã ở mức doanh thu 727 triệu USD.

Phải thừa nhận, FPT đã rất thành công trong việc tận dụng lợi thế tên tuổi của mình để nhanh chóng có được những bước đi chiếm thế thượng phong khi ký được hợp đồng đối tác chiến lược với hai hãng nước ngoài lớn, đưa được cổ phiếu lên sàn và mở được trường đại học cho riêng mình tạo tiền đề cho phát triển của DN này trong thời kỳ mới. Tuy nhiên, trong tất cả những lợi thế đấy đều chứa đựng những thách thức mới bởi hàm lượng công nghệ ở DN này vẫn chỉ chiếm một phần rất nhỏ.

Phần mềm được coi là khâu đột phá của nhiều năm vẫn im lìm như loài gấu ngủ đông, doanh số phần mềm cả xuất khẩu lẫn nội địa của hai đơn vị FSS và Fsoft chỉ chiếm khoảng 3% tổng doanh thu với khoảng 23,67 triệu USD. Ngay cả niềm tự hào của FPT là FPT Telecom cũng chỉ đạt con số 36,1 triệu USD (5%). Đại học FPT, với nhiều ưu đãi đã được phép tuyển sinh, nhưng cũng mới chỉ thu hút được 290 người theo học trên tổng số 500 được phép tuyển và hiệu quả của nơi đào tạo mới cho nguồn nhân lực CNTT vẫn được "treo" lơ lửng.

Sự trải rộng và lớn mạnh của FPT vẫn chỉ tập trung ở khâu phân phối các sản phẩm CNTT ví dụ như Công ty Phân phối FPT chiếm gần một nửa doanh số toàn FPT với 324 triệu USD hay Công ty Di động FPT chiếm 2/3 số nửa doanh số còn lại với 214 triệu USD.

Mặt khác, sự trồi sụt ở mức độ cao của cổ phiếu FPT trên sàn chứng khoán cũng tiềm ẩn nhiều bất lợi mà chính người FPT gọi là "cơn bão ẩn". Nó đã phân hoá giàu nghèo ngay trong nội bộ của DN này giữa những người có nhiều cổ phiếu với người có ít cổ phiếu hoặc chưa có. Nó cũng nhanh chóng khiến nhiều người FPT trở nên giàu có bất thường gây nên tâm lý hưởng thụ.

Chưa hết, sự lên xuống hàng ngày của thứ hàng đắt giá ảnh hưởng đến gia tài của mấy nghìn con người trong FPT cũng chiếm một khoảng thời gian và tâm trí của họ vào vấn đề này mà một phần sao nhãng công việc kinh doanh, sản xuất.

Tìm kiếm sự "ăn khớp"

Về mặt công nghệ, năm 2006 đánh dấu sự ra đời của nhiều công nghệ mới như Wimax, truyền hình di động đều được đánh giá sẽ là công nghệ hứa hẹn sự phát triển mạnh trong tương lai. Nhưng vấn đề là các chính sách thực thi sẽ ra sao để các công nghệ này có thể phát huy được hết các hiệu quả của mình?

Có một thực tế là các chính sách của chúng ta vẫn chưa thể theo kịp bước tiến của công nghệ. Hàng loạt vấn đề mang tính hai mặt đang cần có sự quan tâm đúng mức của cơ quan chức năng và những chính sách phù hợp như: game online, blog... để không rơi vào tình trạng "hạn chế mặt tích cực mà lại thụ động với những tiêu cực". Bên cạnh đó, sự coi thường pháp luật qua những vụ tấn công các website của các cơ quan Chính phủ năm vừa qua cũng đã làm nóng lên vấn đề bảo mật, an toàn an ninh mạng, đòi hỏi phải có môi trường pháp lý cũng như công nghệ quản lý phù hợp và ý thức về bảo mật của người sử dụng để giảm thiểu những hành vi tội phạm mạng.

Năm 2007 cũng là năm hứa hẹn tăng tốc của nhiều dịch vụ như ADSL, điện thoại đường dài, thông tin di động... bởi sự giảm giá của nhiều dịch vụ. Vấn đề còn lại chỉ là chất lượng của công nghệ và dịch vụ để hướng thị trường đi vào thực chất.

Một vấn đề nữa cũng được dự báo sẽ là cuộc chiến nóng trong năm nay, đó là vấn đề bản quyền truyền hình. Điều này tạo nên sự cạnh tranh gay gắt mà ở đó, nếu "gà cùng một mẹ" tiếp tục "đá nhau" thì kẻ trục lợi sẽ là những đối tác nước ngoài với giá bản quyền sẽ bị đẩy lên cao hơn giá có thể đàm phán. Rõ ràng, năm 2006 đã gieo trồng để cho năm 2007 có nhiều hoa thơm trái ngọt. Nhưng làm sao để có thể thu hoạch tốt? Câu trả lời cũng không đơn giản!

Thứ Ba, 27/02/2007 08:35
31 👨 42
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp