HP-Palm - Thương vụ hoành tráng hay lại 'mắc nghẹn'?

Tháng 5 được đánh dấu bằng hàng loạt sự kiện ngành di động khi các thiết bị 3D, tablet được tung ra thị trường, tuy nhiên, thương vụ HP "cưới" Palm lại là một tâm điểm của sự toan tính đầy hoài nghi giữa 2 đại gia này.

Lịch sử những thương vụ...mắc nghẹn

Đây không phải lần đầu tiên giới di động dậy sóng bởi màn "cưới hỏi" giữa 2 đại gia đình đám. Trong quá khứ của ngành thiết bị di động, Sony và Ericsson đã từng làm nên một lịch sử từ cách đây đúng 1 thập kỷ.

Năm 2000, sự kiện hãng điện tử Nhật Bản mua lại bộ phận sản xuất điện thoại di động của Ericsson tạo nên một dấu chấm hỏi lớn khi liệu rằng có làm nên cơm cháo gì với một thương hiệu Á-Âu "lai căng". Lẽ dĩ nhiên, chỉ vài tháng sau đó, các sản phẩm thương hiệu Sony Ericsson lạ lẫm ra đời và gặt hái được những thành công nhất định.


Lịch sử sáp nhập làng di động chưa bao giờ yên ả, liệu HP và Palm có "hạnh phúc"?

Tiếp theo đó 5 năm sau, Siemens - cây đa cây đề trong làng di động cũng không chịu nổi nhiệt với thị trường di động chuyển động như vũ bão, đã phải bán tháo nhà xưởng và thương hiệu của mình cho hãng điện tử Đài Loan BenQ với cái giá rẻ mạt.

Mới đây, ngay giữa thời gian khủng hoảng, Asus cũng lên tiếng "nuốt" Garming - một nhà sản xuất có tiếng trong lĩnh vực sản xuất thiết bị định vị di động. Thương vụ này khá lặng lẽ và Asus cũng đưa ra khá nhiều dự định cho một tương lai của những PPC đa năng.

Quay trở lại thương vụ HP - Palm, đây không phải lần đầu tiên HP "nuốt chửng" các tên tuổi bé hơn. Trong quá khứ, đơn vị máy tính xách tay đã thâu tóm thương hiệu Compaq với giá trị thương vụ lên tới 25 tỷ USD, được coi là kỷ lục của năm 2001.

Hiển nhiên không có gì là khó đoán trước những toan tính của HP. Sự kiện iPad ra đời kéo theo sự nóng mắt của ông lớn này tưởng như sẽ kết thúc bằng màn ra mắt HP Slate, nhưng không, đó dường như vẫn chỉ là đòn hỏa mù.

Trong quá khứ, "cây cọ" Palm từng một thời đè nén Apple cũng như cả gã khổng lồ Microsoft với những sản phẩm PPC mang tính đột phá của mình. Series Palm Treo được coi là một chuẩn mực của smartphone mà cho tới ngày nay vẫn ít nhiều ảnh hưởng tới thiết kế của các dòng smartphone đương đại.

Nay, với việc sáp nhập vào HP giữa lúc thị trường như một chảo lửa, ắt hẳn ngoài số tiền tỷ đô sẽ là cả một toan tính đầy tham vọng.

Palm vốn nuôi chí cùng Pre hay Pixi với webOS để hy vọng vào một sự khởi sắc để rồi khi công chưa thành, danh chưa toại đã "đuối vốn". webOS có thể chưa phải là một nền tảng có vị thế cao trong làng công nghệ di động. So với Symbian, iPhone OS, Android, nó còn quá nhỏ bé và thiếu một nền tảng vững chắc.

Hiển nhiên, về với HP, webOS sẽ được trợ lực và có nguồn đầu tư phát triển nếu những nhà quản lý ở đây nhìn thấy tiềm năng của nó. Hiệu năng của webOS được các nhà phát triển bên thứ 3 đánh giá khá cao. Điển hình có thể thấy như việc engine game đình đám UnrelEngine 3 cũng đưa ra gói hỗ trợ nền tảng này vẽ nên một tương lai sáng lạn cho các phần mềm giải trí trên webOS.

Mặt khác, qua những thử nghiệm gần đây với các sản phẩm của Gameloft, Palm Pre nền webOS đã chứng tỏ sức mạnh về đồ họa và hiệu năng xử lý của mình không hề thua kém iPhone khi đặt chung cùng một đề bài test.

Nếu như Asus hay Acer vẫn còn khá lưỡng lự về một dự án tablet ganh đua cung iPad của Apple thì HP lại là một nhà sản xuất khá giàu kinh nghiệm. Các dòng máy tablet của hãng như TX series đã có chỗ đứng trên thị trường tuy nhiên đó vẫn chỉ là một chiếc máy tính bảng thay vì một thiết bị giải trí di động theo đúng nghĩa.

Nếu HP Slate kết hợp cùng Palm webOS thì đó thực sự là một đối trọng của Apple iPad. Với những công nghệ và kinh nghiệm của cả 2 thương hiệu này, một chiếc Slate chạy nền webOS cùng một kho ứng dụng do HP đầu tư phát triển ắt hẳn sẽ có nhiều cơ hội xâm chiếm thị trường mới mẻ này và tương lai gần đó có thể là Quý III của năm nay.

Chông gai và rủi ro

Sở dĩ trước khi nhắc tới thương vụ HP-Palm lại điểm qua những thương vụ triệu đô trước đó vì đó là những bài học nhãn tiền khi góp gạo thổi cơm chung giữa các hãng điện tử.

Điển hình nhất là trường hợp BenQ-Siemens sau 3 năm điêu đứng với những con số lỗ lên tới gần 800 triệu Euro cuối cùng đã phải bán tháo và thương hiệu điện thoại Siemens coi như đã đi vào dĩ vãng.

Về phía Sony Ericsson, ngay khi các hãng điện tử Hàn Quốc như Samsung, LG ăn nên làm ra cùng những thiết bị đầu cuối thì chính sách bảo thủ của liên doanh này trở thành rào cản và tất yếu là những quả đắng về doanh thu.


HP Slate chạy HĐH webOS sẽ nên cơm nên cháo?

Trong 2 năm từ 2007 đến 2009, các thiết bị của Sony Ericsson lần lượt rơi vào thoái trào và gánh chịu những nhận xét gay gắt về mọi mặt. Từ chất lượng, giá thành cho tới nền tảng phần mềm, Sony Ericsson đều loay hoay giữa dòng. Chia tay Symbian UIQ sang Symbian v5 với giao diện na ná các dòng điện thoại của Nokia. Rồi bén duyên cùng Microsoft với Windows Mobile hay gần đây nhất là những sản phẩm Android mà được đánh giá là chả hơn gì HTC ngoài...giá thành.

Có lẽ Sony Ericsson sẽ cần một lời giải hợp lý hơn cho đường hướng phát triển, nếu không, dù cho báo cáo Quý I đã có lãi thì tương lai cả một năm 2010 của hãng di động này vẫn còn khá bấp bênh.

Trong quá khứ Palm cũng đã từng có thời điểm khủng hoảng để tìm lối thoát cho nền tảng của mình. Đã có lúc, Palm gây ngạc nhiên lớn khi tung ra Palm Centro chạy nền HĐH Windows Mobile. Giờ đây, việc cần làm của HP và Palm sẽ là cân đối được tham vọng, tìm ra một giải pháp cho một thiết bị mới.

Nếu không sớm đưa ra lời giải trước khi kết thúc Quý II, dự án HP Slate vẫn trì hoãn, hiển nhiên trong nửa cuối của năm nay liên doanh này sẽ khó có chỗ đứng trong thị phần tablet, khi mà Apple đã chiếm lĩnh thị trường bằng những sản phẩm nền tảng iPhone OS.

Thứ Ba, 25/05/2010 08:49
31 👨 196
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp