Dự luật “giết chết Internet” bị bãi bỏ

Trước những phản đối gay gắt từ phía người sử dụng Internet và ngay cả bản thân những “ông lớn" công nghệ, dự luật “giết chết Inernet” SOPA/PIPA đã chính thức bị bãi bỏ. Đây được xem là một chiến thắng vang dội bởi sự đồng lòng của cộng đồng Internet.

Trước những phản ứng gay gắt từ phía cộng đồng người dùng Internet và bản thân các công ty công nghệ, Hạ nghị sĩ Lamar Smith, người đề xuất ra dự luật về chống vi phạm bản quyền SOPA đã đệ đơn lên Hạ viện Mỹ để xin rút lui dự luật này và sẽ quay trở lại “khi có một giải pháp nhận được nhiều sự đồng thuận hơn”.

Chân dung Lamar Smith, tác giả của dự luật gây tranh cãi SOPA

Trong thông báo đưa ra về quyết định xin rút lui dự luật gây tranh cãi của mình, Lamar Smith (nghị sĩ của bang Texas) cho biết:

“Tôi đã nghe rất nhiều lời phê bình cũng như những ý kiến nghiêm túc của họ về dự luật được đề xuất về các vấn đề vi phạm bản quyền trực tuyến. Rõ ràng rằng chúng ta cần phải xem xét lại cách tiếp cận để có được giải pháp tốt nhất, giải quyết vấn đề của những tên trộm ở nước ngoài, đang ăn cắp và bán các sáng chế và sản phẩm của nước Mỹ

Tuy nhiên, bên cạnh thông báo rút lui dự luật gây tranh cãi này, Lamar Smith vẫn cho thấy một quyết tâm để xây dựng một dự luật mới có tính chất tương tự như SOPA:

Vấn đề vi phạm bản quyền là một vấn đề quá lớn để có thể bỏ qua. Ngành công nghiệp sở hữu trí tuệ Mỹ cung cấp 19 triệu việc làm thu nhập cao và chiếm hơn 60% doanh thu xuất khẩu của nước Mỹ. Các hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ của Mỹ đã làm tổn thất hơn 100 tỷ USD mỗi năm cho nền kinh tế Mỹ và kết quả làm mất hàng ngàn việc làm cho người Mỹ. Quốc hội không thể đứng yên và không làm gì khi những sáng tạo và tài sản của nước Mỹ đang bị xâm hại”.

Các hành vi trộm cắp trực tuyến các sở hữu trí tuệ của người Mỹ cũng tương tự như việc đánh cắp hàng hóa trong cửa hàng hay siêu thị. Điều đó là bất hợp pháp, và pháp luật phải được thực thi, như ở trong cửa hàng cũng như trên thế giới trực tuyến. Các nghị sĩ sẽ tiếp tục làm việc với các chủ sở hữu quyền tác giả, các công ty Internet, các tổ chức tài chính để phát triển các đề xuất để chống lại sự vi phạm bản quyền trực tuyến và bảo vệ tài sản trí tuệ của nước Mỹ. Chúng tôi hoan nghênh mọi ý kiến đóng góp từ các tổ chức, cá nhân để giải quyết hiệu quả vấn đề này” - Lamar Smith kết luận.

Những thông điệp này cho thấy việc rút dự luật SOPA chỉ là một bước đi để nhằm làm xoa dịu sự phản đối mạnh mẽ từ dư luận đồng thời tìm kiếm một giải pháp hiệu quả và có khả năng áp dụng rộng rãi hơn.

Sự lên tiếng và phản đối đúng lúc của các “ông lớn” công nghệ đã góp phần khiến cho 2 dự luật SOPA/PIPA bị bãi bỏ. Hình ảnh trang web bách khoa toàn thư Wikipedia đóng cửa và ngưng hoạt động trong ngày 18/1 để phản đối SOPA/PIPA

Bên cạnh sự rút lui của dự luật SOPA, một tin vui cho người dùng Internet khi dự luật tương tự với SOPA, PIPA cũng đã bị Thượng viện Mỹ tuyên bố tạm ngưng thực thi.

Trước những sự kiện và những sự phản đối gần đây, tôi đã quyết định sẽ hoãn bỏ phiếu để thông qua Đạo luật bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (PIPA)” - Thượng nghị sĩ Harry Reid, người đứng đầu Thượng Viện Mỹ tuyên bố về quyết định tạm ngưng biểu quyết để thông qua dự luật PIPA.

Những quyết định mới nhất này được đánh giá là một sự thành công vang dội của cộng đồng Internet, trong đó có sự đóng góp không nhỏ từ sự phản ứng gay gắt của người dùng Internet, đặc biệt là sự phản đối của các trang web lớn như Wikipedia, Wordpress… và cả những “gã khổng lồ công nghệ” như Google hay Facebook…

Thứ Hai, 23/01/2012 07:35
31 👨 472
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp