Doanh nghiệp di động VN trước sức ép cạnh tranh

Cạnh tranh để tồn tại, phát triển - đó là quy luật tất yếu của thị trường. Thị trường dịch vụ thông tin di động của Việt Nam cũng không là ngoại lệ...

Sáu nhà cung cấp dịch vụ: có thừa không?

Năm 2005 được đánh giá là năm bùng nổ của thị trường thông tin di động VN với 4 nhà cung cấp dịch vụ đã thực sự nhập cuộc, trong số 6 doanh nghiệp (DN) viễn thông được cấp phép cung cấp dịch vụ. Cho tới thời điểm này, con số 6 DN dường như đã được ấn định và sẽ không thay đổi ít nhất trong một thời gian nữa. Bởi có thể nhận thấy ý định muốn bình ổn thị trường di động của Chính phủ qua sự kiện Đài truyền hình Việt Nam không được chấp thuận đề nghị cấp phép nhà cung cấp dịch vụ di động hồi tháng 8 vừa qua. Theo đánh giá của các chuyên gia viễn thông, nếu được cấp phép, chắc chắn nhà đài cũng sẽ là một đối thủ "nặng ký" nếu họ có cơ hội phát triển mạng di động trên hạ tầng truyền dẫn truyền hình.

Nhiều mạng di động cũng cùng nghĩa thêm nhiều lựa chọn cho khách hàng.

Tuy nhiên, đa số các ý kiến đều nhất trí rằng, số lượng 6 nhà cung cấp dịch vụ di động so với 80 triệu dân Việt Nam hiện nay đã là nhiều. Một số nước có nền kinh tế phát triển, dân số đông như Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản cũng chỉ có từ 1 đến 3 nhà khai thác dịch vụ thông tin di động mà thôi.

Được biết, trước đó, tương tự như Việt Nam, các quốc gia này cũng đã từng có tới 6, 7 nhà cung cấp dịch vụ, nhưng rồi theo thời gian và quy luật cạnh tranh khắc nghiệt, chỉ còn những nhà cung cấp đủ mạnh và có tầm mới trụ vững. Những DN yếu thế hơn, hoặc là tuyên bố phá sản, hoặc đành cam chịu phận sáp nhập với các đối thủ mạnh hơn mình để có thể tồn tại.

Nhìn từ những bài học kinh nghiệm về phát triển thị trường của Trung Quốc và Hàn Quốc cho thấy, rồi tới một lúc nào đó, thị trường thông tin di động của Việt Nam cũng không thể nào tránh khỏi quy luật phát triển ấy. Dù rằng cho tới thời điểm này, các nhà cung cấp dịch vụ đều vẫn rất tự tin vào năng lực và hướng phát triển của mình và muốn phá vỡ quy luật ấy đến đâu.

GSM vẫn đang chiếm lĩnh

Không hẹn mà nên, trong số 6 DN đã được giấy phép cung cấp dịch vụ lại chia rất đều, ba nhà cung cấp chọn công nghệ GSM là VinaPhone, MobiFone và Viettel Mobile. Còn lại S-Fone, EVN và Hanoi Telecom lại quyết định chọn công nghệ CDMA với những lợi thế của 3G để phát triển.

Cho tới thời điểm hiện tại, mảng GSM đã có đủ mặt anh tài. Đó là Viettel với số lượng 2 triệu thuê bao trong hơn một năm hoạt động được đánh giá là sự bứt phá ngoạn mục, đó là sự đi lên chậm mà chắc của hai "đại gia" lâu đời là VinaPhone và MobiFone hiện tại vẫn đang dẫn đầu về số luợng thuê bao. VinaPhone đã vượt qua mốc 3,5 triệu thuê bao và MobiFone đạt mức hơn 3 triệu máy.

Từ lâu, các chuyên gia đã cho rằng, 3 DN cùng cung cấp dịch vụ công nghệ GSM (2G) là nhiều. Nhất là trong thời điểm hiện nay, công nghệ này đứng bên cạnh các công nghệ tiên tiến như 2,5G, 3G thậm chí là 4G sẽ trở nên...l ạc lõng. Tuy nhiên, ngay lúc này, khó có thể đưa ra phương án "loại bớt" ai trong số ba tên tuổi trên.

Có thể dễ dàng nhìn thấy, VinaPhone và MobiFone (thuộc VNPT) là 2 DN có bề dày phát triển, có chỗ đứng khá vững chắc trong lòng khách hàng. MobiFone đã có "thâm niên" 13 năm phục vụ và VinaPhone cũng là thương hiệu quen thuộc từ 10 năm nay với hàng triệu khách hàng. Thêm vào đó, thế mạnh của hai mạng này còn ở vai trò DN với tiềm lực kinh tế mạnh, nhất là trong giai đoạn hiện nay, điểm ngắm của các nhà đầu tư trên sàn giao dịch chứng khoán cũng đang nhắm vào hai mạng di động lớn. Vậy, khả năng nào khiến họ dễ dàng "bỏ cuộc chơi"?

Viettel Mobile? Là DN mới nhưng sức trẻ của hãng này cũng rất mãnh liệt. Tiếp thị, kinh doanh chỉ trong thời gian 1 năm, sự lan tỏa của Viettel có thể gọi là đạt mức kỷ lục đối với thị trường VN. Có thời điểm, một ngày Viettel Mobile phát triển được tới chục ngàn thuê bao. Với sức tăng trưởng mạnh và tiềm năng dồi dào như vậy, đâu dễ gì để nhà cung cấp này dời khỏi "chiến trường".

2006 sẽ là năm của công nghệ CDMA và 3G?

Song như trên đã nói, xu hướng công nghệ hiện nay ngoài 2G ra, các nhà nghiên cứu phát triển dịch vụ thông tin di động đã tìm tòi và có nhiều bước tiến với 2,5G; 3G và thậm chí đã lên tới 4G. Với việc sử dụng công nghệ CDMA 2000 1x, ba mạng di động CDMA đang có thế mạnh lớn vì họ đang phát triển dựa trên công nghệ 3G. Vì thế, các mạng điện thoại di động công nghệ CDMA chắc chắn sẽ song song tồn tại với GSM, thậm chí có thể vượt xa hơn về công nghệ trong thời gian tới.

Chỉ có điều, sau nhiều lần trễ hẹn, các nhà lãnh đạo của mạng 096 (EVN Telecom) hứa sẽ cung cấp dịch vụ vào đầu năm 2006, nhưng mới đây, EVN lại tiếp tục cho biết lùi thời điểm cung cấp thêm một thời gian nữa. Mặc dù vậy, theo một vị lãnh đạo của mạng VinaPhone, dù chưa hòa nhập vào cuộc chơi nhưng EVN Telecom đã được họ xếp vào hàng đối thủ đáng gờm nhất trong tương lai.

HaNoi Telecom sau một thời gian "im hơi lặng tiếng" đã vừa công bố sẽ chính thức ra măt dịch vụ của mình vào quý II/2006. Bà Trịnh Thị Minh Châu, Giám đốc Công ty HaNoi Telecom đưa ra một mong muốn khá “khiêm tốn”: "sau một năm sẽ chỉ cần đạt bằng 3/5 số thuê bao của mạng Viettel Mobile". Quả thực, với việc liên kết với đối tác Hutchison - hãng đã có rất nhiều kinh nghiệm trong triển khai các mạng di động trên thế giới, mạng di động 092 của Hanoi Telecom chắc chắn sẽ chẳng thể nào "chịu thua" trong cuộc cạnh tranh phát triển với những bậc đàn anh đi trước.

Với S-Fone thì sao? Đi trước hơn Viettel nhưng lại là người về sau, hiện tại mới chỉ đạt 400.000 thuê bao sau 27 tháng phát triển dịch vụ. Tuy nhiên, sau một thời gian "trầm lắng", mạng di động 095 cũng chứng tỏ cho thấy những nỗ lực đáng kể của họ: giảm giá cước, đầu tư công nghệ CDMA 2000 1x mới, tăng đầu tư từ công ty mẹ... Đại diện của S-Fone cho biết, dù không hài lòng với sự tăng trưởng hiện tại của mạng, nhưng họ vẫn quyết tâm đầu tư phát triển mạng lưới. Ông này cho biết, yếu điểm lớn nhất của S-Fone là vùng phủ sóng, khi cải thiện được tình hình chắc chắn sẽ khác.

  • Thủy Nguyên
Thứ Năm, 15/12/2005 15:56
31 👨 116
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp