Doanh nghiệp bán lẻ sản phẩm CNTT Việt trước thách thức mở cửa thị trường

Thị trường bán lẻ hàng điện tử - CNTT Việt Nam đã có một năm thành công hơn mong đợi trong năm qua, góp phần không nhỏ vào việc thị trường bán lẻ Việt Nam năm 2007 được Ngân hàng Thế giới đánh giá là có mức sinh lời hấp dẫn thứ 4 thế giới. Được coi là những sản phẩm mang nhiều yếu tố đặc thù nhưng thị trường bán lẻ sản phẩm CNTT không nằm ngoài cơn lốc cạnh tranh của các đại gia bán lẻ nước ngoài khi thị trường bán lẻ Việt Nam mở cửa hoàn toàn vào 1/1/2009.

1/1/ 2009, thị trường bán lẻ việt nam sẽ chính thức mở cửa theo cam kết gia nhập WTO. Các đại gia bán lẻ nước ngoài sẽ có quyền lợi không khác gì với bất kì doanh nghiệp Việt nam nào khác và cùng chia sẻ miếng bánh với các doanh nghiệp bán lẻ CNTT vừa và nhỏ của Việt Nam. Nếu nhìn toàn cảnh thị trường bán lẻ của Việt Nam hiện nay, thói quen mua sắm ở chợ vẫn phổ biến hơn. Ước tính, hình thức phân phối truyền thống vẫn giữ tỷ lệ 90% nhưng điều đó sẽ hoàn toàn thay đổi và thời gian cũng sẽ không xa, nhất là với lĩnh vực bán lẻ sản phẩm cần phải gắn bó dài lâu với khách hàng như sản phẩm CNTT.

Bán lẻ sản phẩm CNTT: Chợ hay đại siêu thị?

10 năm trước đây, phố Lí Nam Đế ở Hà Nội được gọi là phố máy tính bởi sự tập trung của rất nhiều cửa hàng bán máy tính, linh kiện máy tính và là điểm đến quen thuộc của rất nhiều khách hàng hễ họ cần mua những sản phẩm CNTT. Bây giờ, Lí Nam Đế vẫn với nhiều cửa hàng máy tính và 10 năm dường như, trong tâm trí nhiều người phố máy tính giờ đây giống như một cái chợ… Có đủ thứ khách hàng cần nhưng chủ yếu những cửa hàng ở đây giống như những tạp hoá nhỏ phù hợp với những khách hàng... tạt qua tìm mua.

Sự nhỏ hẹp về diện tích, tâm lí kinh doanh nhỏ của một số người chủ cửa hàng ở đây chính là điều đã khiến con phố máy tính này không thể phát triển trở thành địa chỉ tin cậy cho mọi đối tượng khách hàng tìm kiếm các sản phẩm CNTT cũng như gắn bó như những khách hàng quen thuộc Trước sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng, đó chính là thiệt thòi rất lớn cho không ít doanh nghiệp muốn phát triển, mở rộng kinh doanh trên con phố này. Và bởi vậy, dần dần, trong trí nhớ của nhiều người tiêu dùng, phố máy tính đã dần trở thành cái tên của một con phố khác ở Hà Nôi: đường Thái Hà với những cửa hàng lớn hơn, có nhiều không gian cho khách hàng hơn như Trần Anh, Phúc Anh...

Theo ông Lê Hoàng Hải, Tổng Giám đốc FPT Retails, sản phẩm CNTT không giống những mặt hàng tiêu dùng bình thường khác, khách hàng cần tiếp cận, trải nghiệm sản phẩm, dùng thử sản phẩm với tất cả tính năng mới của sản phẩm trước khi đưa ra quyết định mua của mình. Trong một không gian nhỏ, hẹp, cửa hàng thì khách hàng không thể có không gian để có thể cảm được sản phẩm, và dùng thử các tính năng của họ, của sản phẩm trước khi họ đưa ra quyết định của mình.

Mở cửa thị trường hoàn toàn, điều này có nghĩa, các đại gia bán lẻ nước ngoài có quyền không khác gì so với bất kì một doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam nào khác. Nhìn vào mô hình kinh doanh của các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài đã có mặt tại Việt Nam trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nói chung như Big C, Parkson, Pico… rõ ràng, các doanh nghiệp bán lẻ hàng CNTT Việt Nam đang đứng trước một thách thức rất lớn về cách thức tiếp cận và lôi kéo khách hàng và lợi thế về sự quen thuộc cũng không hẳn là một lợi thế lâu dài.

Bởi, mở cửa thị trường, các nhà kinh doanh nước ngoài có thể vào Việt Nam và hoạt động như một doanh nghiệp Việt Nam nhưng có những thế mạnh của họ như vấn đề về tài chính, về thương hiệu. Và như thế, nếu chúng ta không có bước nào chuẩn bị cả thì chúng ta thực ra sẽ mất luôn trên chính sân chơi của chính chúng ta.

Không phải đến lúc này, những động thái thích nghi với nhu cầu tiêu dùng và sự biến chuyển của thị trường của các doanh nghiệp bán lẻ CNTT trong nước mới được nhắc tới. Và thực tế, thị trường bán lẻ sản phẩm công nghệ thông tin cũng đã xuất hiện nhiều mô hình bán lẻ sản phẩm CNTT với nhiều ý tưởng riêng biệt…

Chủ động để Chuyển động

Ở Hà Nội, nhiều cửa hàng bán máy tính và linh kiện máy tính trên con phố Thái Hà bắt đầu tạo được dấu ấn trong giới khách hàng tiêu dùng sản phẩm CNTT. Mới khai trương vào nửa cuối năm 2007, IN nằm trong chuỗi 9 trung tâm bán lẻ đã được FPT đầu tư phát triển tại 7 thành phố lớn trên cả nước đã thu hút được rất đông khách hàng.

IN có một diện tích rộng với hệ thống nhận diện nổi bật, kích thích người mua hàng bằng âm thanh, hình ảnh và cả lời nói, bày trí sản phẩm với các khu vực trưng bày riêng biệt với số nhân viên tương đối lớn. Tập trung vào các sản phẩm công nghệ di động, không chỉ có bán hàng, mua hàng và tư vấn mà tại đây, khách hàng có thể đăng kí những dịch vụ mạng, bảo hành, dùng thử sản phẩm và cả… truy cập Internet miễn phí…

Theo ông Hoàng Hải, TGĐ của chuỗi cửa hàng này, bản thân doanh nghiệp cũng chỉ đang mày mò, cũng đang cố gắng xây dựng để làm thế nào tạo ra sự khác biệt, có những điểm độc đáo riêng để khi doanh nghiệp nước ngoài vào thì chúng ta vẫn có những lợi thế nhất định...

Cũng nằm trên phố Thái Hà, Trung tâm giải pháp HP Store là một mô hình bán lẻ CNTT mới khác mà chúng tôi bắt gặp. Chỉ chuyên các sản phẩm và giải pháp của chính hãng HP, HP Store là một chuỗi cửa hàng theo mô hình đã được HP xây dựng cùng những đối tác phát triển thị trường bán lẻ của mình với thiết kế thống nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Mô hình những cửa hàng như thế này cộng với ý tưởng góc sản phẩm HP tại một số cửa hàng tổng hợp đã được HP bắt đầu triển khai từ năm 2006 và hiện nay đã có 3 trung tâm giải pháp HP Store được xây dựng tại Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng.

Theo ông Nguyễn Đức Tường, Phụ trách phát triển thị trường bán lẻ miền Bắc, HP Store ra đời với mục đích là cung cấp cho khách hàng tổng thể giải pháp lâu dài chứ không chỉ đơn thuần bán sản phẩm. HP Store được xây dựng để hình thành trong tâm trí khách hàng là địa chỉ tin cậy cung cấp sản phẩm chính hãng với những tư vấn và cam kết lâu dài.

Theo ông Trịnh Thanh Lâm, Giám đốc Nhóm máy tính cá nhân của HP cho biết, HP đã xây dựng những chương trình huấn luyện đào tạo cho nhân viên của những đối tác cùng triển khai chuỗi HP Store. Ông cho rằng, nhân viên khi tiếp xúc với khách hàng cần biết được kĩ năng về bán hàng, về dịch vụ hậu mãi, về tư vấn cho khách hàng bởi trong lĩnh vực công nghệ thì phần lựa chọn sản phẩm phù hợp với công việc và nhu cầu của mình mà không lãng phí rất quan trọng.

Làm sao không thua trên sân nhà?

Thời điểm từ giờ đến 1/1/2009 cũng không còn xa và chắc chắn, người nhanh chân thay đổi để thích nghi với tình hình mới sẽ là người về đích trước tiên.

Trên con phố Lí Nam Đế, giờ đây, một số cửa hàng cũng đang nỗ lực mang đến cho khách hàng của mình nhiều không gian hơn… Những sự tự thân vận động giống như chuỗi FPT Retails, HP Store cũng sẽ không phải là duy nhất…

Mở cửa thị trường là cơ hội để phát triển thị trường, để nâng cao dịch vụ và cũng để người tiêu dùng trong nước có lợi hơn - điều đó đồng nghĩa với sức ép dành cho các doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ sản phẩm CNTT. Và tất nhiên, với sức cạnh tranh khi mở cửa thị trường, những nỗ lực cá nhân sẽ không đủ.

Ông Lê Hoàng Hải, Giám đốc FPT Retails cho rằng: “Nói gì thì nói thì các doanh nghiệp bán lẻ CNTT Việt Nam cũng là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí rất nhỏ, nếu không có sự bắt tay liên kết về việc đó thì chúng ta sẽ không đảm bảo được đủ nguồn hàng, đủ lực lượng về tài chính, để tạo ra được một sân chơi đủ mạnh, một cái hàng rào đủ mạnh để cạnh tranh được với các đối tác nước ngoài”.

Hiệp hội bán lẻ của Việt Nam đã hình thành và đó là bước khởi đầu đầu tiên có thể giúp các doanh nghiệp bán lẻ sản phẩm CNTT bắt tay nhau để có những hợp tác có lợi nhất. Nhưng, cái khó vẫn là việc nắm bắt và phát huy được lợi thế của mình, là liên kết được nhau để cạnh tranh được với những tập đoàn bán lẻ vốn đã có thừa kinh nghiệm và tiềm lực tài chính…

Thứ Hai, 18/02/2008 14:13
31 👨 120
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp