Dịch vụ nội dung mạng di động: Sẽ phát triển tương xứng với tiềm năng

Tại Hội nghị Mobile Việt Nam 2007 vừa kết thúc chiều 10/5, vấn đề phát triển nội dung số trong lĩnh vực thông tin di động đã được khá nhiều các đại biểu tham dự quan tâm, đặc biệt là với các nhà mạng di động hiện đang dành nhiều sự đầu tư cho lĩnh vực này.

Theo quan điểm của Vụ Công nghiệp Công nghệ thông tin Bộ Bưu chính Viễn thông, công nghiệp nội dung số được hình thành từ "sự hội tụ của nghệ thuật, kinh doanh và công nghệ". Tại Việt Nam, phát triển nội dung cho mạng di động là một trong những lĩnh vực được coi là trọng điểm của công nghiệp nội dung số cùng với phát triển nội dung cho Internet; thương mại điện tử; trò chơi điện tử; giáo dục trực tuyến; y tế điện tử; cơ sở dữ liệu và những dịch vụ đa phương tiện như phim số, truyền hình số, hoạt hình và các dịch vụ/sản phẩm liên quan.

Đầu tư cho di động: Nhiều cái nhất

Tính đến thời điểm này, nội dung cho Internet và nội dung cho mạng điện thoại di động đang là hai lĩnh vực chiếm thị phần doanh thu lớn nhất trong ngành công nghiệp nội dung số. Theo một con số thống kê chưa đầy đủ, đến năm 2005 có khoảng 35 công ty tham gia phát triển các dịch vụ nội dung số di động với doanh số đạt khoảng 340 tỷ đồng. Quy mô nhân lực của doanh nghiệp cung cấp nội dung cho mạng di động cũng đang đạt con số lớn nhất, trung bình khoảng 90 người/doanh nghiệp. Năng suất đạt được trung bình của một doanh nghiệp khoảng 110 triệu đồng/người/năm. Đây là một trong hai lĩnh vực có năng suất cao nhất trong ngành công nghiệp nội dung số Việt Nam (VN).

Dù còn khá mới mẻ song các loại hình dịch vụ nội dung trên mạng di động VN đã rất phong phú. Hiện có tới 22 doanh nghiệp chuyên cung cấp các sản phẩm, dịch vụ chính trong lĩnh vực phát triển, cung cấp các tiện ích cho điện thoại di động như nhạc chuông, logo, hình nền; Trò chơi trên điện thoại di động cũng có 11 công ty tham gia kinh doanh... Không chỉ có các công ty chuyên hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ cho mạng di động điển hình mà ngay cả 6 nhà cung cấp dịch vụ viễn thông di động là VinaPhone, MobiFone, Viettel, S-Fone, EVN Telecom và HT Mobile cũng đã vào cuộc.

Nhu cầu lớn...

Tham khảo dịch vụ nội dung di động được trình diễn tại triển lãm Mobile VN 2007. Ảnh: TN

Khảo sát mẫu ngẫu nhiên 500 người ở Hà Nội, 412 người trong số đó đã cho biết họ hiện đang dùng điện thoại di động (chiếm 82,5%), trong đó có 291 người xài các dịch vụ nội dung trên mạng di động (chiếm tới 70%). Nhu cầu lớn nhất của các khách hàng hiện nay là tải các tiện ích cho điện thoại di động như nhạc chuông, hình ảnh, logo, video... Nhu cầu lớn thứ hai là lĩnh vực trò chơi trên mạng di động; tiếp đó là dịch vụ nhắn tin trúng thưởng. Xuất phát từ nhu cầu của người dùng, dịch vụ gia tăng di động được nhiều doanh nghiệp tham gia nhất là cung cấp các tiện ích cho mobile (63% số doanh nghiệp) và tiếp đó là dịch vụ truy vấn thông tin qua tin nhắn SMS.

Vẫn là những con số được tổng kết từ cuộc khảo sát ngẫu nhiên đó, có tới 45% khách hàng sử dụng dịch vụ nội dung trên mạng di động với tần suất hàng ngày, thậm chí có một nửa trong đó sử dụng từ 2 lần/ngày trở lên. Người dùng cũng sẵn sàng bỏ tiền trả phí cho các dịch vụ nội dung mà mình sử dụng, chiếm tới 94% số người sử dụng dịch vụ theo con số của cuộc khảo sát. Xem ra, với con số 24 triệu thuê bao di động hiện có của 6 nhà khai thác dịch vụ thông tin di động của VN hiện nay, dù đã có nhiều doanh nghiệp cùng cung cấp song thị trường dịch vụ nội dung số di động còn rất tiềm năng.

Nhưng còn nhiều hạn chế

Tuy vậy, dường như các doanh nghiệp lại không mấy mặn mà trong việc cung cấp các dịch vụ nội dung cần truyền nhiều dữ liệu. Hiện một số nhà cung cấp dịch vụ tiên phong đã cung cấp dịch vụ VOD (video-on-demand) và MOD (music-on-deman) trên nền công nghệ 3G (CDMA 1X), cho phép xem phim, video ca nhạc, chương trình truyền hình, hoặc nghe nhạc trực tuyến qua mobile. Khách hàng cũng có thể tải phim về, xem trực tiếp chương trình đang phát sóng, hoặc xem qua server của nhà cung cấp dịch vụ. Nhưng vấn đề giá cước đang là một rào cản lớn đối với các nhà cung cấp khi muốn hút khách hàng sử dụng.

Nếu như hiện nay cước tính dịch vụ gia tăng di động bao gồm cước cố định cho mỗi lần sử dụng dịch vụ (dao động khoảng 2.000 - 3.000 đồng/lần) và cước truyền dữ liệu (khoảng 5 đồng/kb) trong đó cước truyền dữ liệu chiếm phần lớn đã khiến khách hàng phải "móc hầu bao" với khoản tiền không hề nhỏ để có thể xài dịch vụ. Chẳng hạn, để xem một trận bóng đá 90 phút thường người xem phải tải đến 22Mb dữ liệu, người dùng sẽ phải trả mức tiền 110 ngàn đồng. Còn nếu muốn nghe và xem biểu diễn một bài hát dạng video với 6,1 Mb dữ liệu sẽ phải tiêu tốn 32 ngàn đồng.

Bên cạnh hạn chế bởi giá dịch vụ còn quá cao, chiến lược phát triển các dịch vụ nội dung số hiện nay vẫn còn những rảo cản xuất phát từ vấn đề hạ tầng và chất lượng, dung lượng đường truyền. Mạng băng rộng công nghệ 3G hứa hẹn triển khai hàng loạt các dịch vụ nội dung tiện ích cho tới thời điểm này vẫn chưa thực sự được chú trọng triển khai, chiến lược phát triển, phát huy lợi thế của 3G của hầu hết các nhà cung cấp dịch vụ vẫn còn chưa rõ ràng...

Trong định hướng phát triển công nghiệp nội dung số tới năm 2010 của VN, nội dung cho mạng di động là một trong 4 lĩnh vực trọng điểm được nhà nước ưu tiên tập trung phát triển. Một loạt các chính sách và giải pháp phát triển thị trường đã được đặt ra như thiết lập môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi, huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư phát triển... Với chiến lược đó, giới chuyên gia viễn thông tại Hội nghị Mobile Việt Nam 2007 cùng các nhà khai thác mạng tin tưởng, thời gian tới thị trường công nghiệp nội dung số di động sẽ phát triển mạnh, thực sự tương xứng với tiềm năng.

Thuỷ Nguyên

Thứ Sáu, 11/05/2007 11:42
31 👨 268
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp