Đăng ký tên miền Internet: DN nên tránh những từ dễ hiểu nhầm

Ông Đỗ Trung Tá - Bộ trưởng Bộ BCVT

Trong thời gian qua, dư luận đã có nhiều ý kiến về các DN đăng ký tên miền nhạy cảm. Chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Đỗ Trung Tá - Bộ trưởng Bộ BCVT về vấn đề này.

Vừa qua, dư luận đã có nhiều ý kiến về việc các DN đăng ký tên miền... nhạy cảm. Dưới góc độ một nhà quản lý, ông cho biết đã có những quy định cụ thể nào đối với việc đăng ký những website có đuôi .vn?

Trong Dự thảo Luật CNTT những website (có đuôi .vn) dự kiến không phải đăng ký. Khi cấp phép website (có đuôi .vn) chúng tôi cũng tính đến việc phải tôn trọng các quy định trong cách đặt tên cũng như những nội dung mà website này cung cấp. Do tính đặc thù của tiếng Việt là có dấu vì thế khi mất dấu có thể hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau. Cho nên mặc dù không phải đăng ký nhưng chúng tôi cũng phải quy định những vấn đề về quản lý tên miền sao cho phù hợp với văn hoá và đảm bảo nội dung đúng như đăng ký.

Theo ông, có nên quy đinh cụ thể những tên nào được cấp phép không? Hay nói cách khác chúng ta có nên ban hành danh mục các tên miền không được đăng ký?

Dự thảo Luật CNTT chỉ quy định những vấn đề chung. Chúng ta chỉ có thể cụ thể hoá nó bằng những văn bản dưới luật. Tiếng Việt của chúng ta rất phong phú. Do đó, chúng ta rất khó có một danh mục các từ nào cấm, từ nào không cấm. Tuy nhiên, trên thế giới mỗi quốc gia thường cấm một số từ không cho đăng ký. Chúng ta có thể tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia "đi trước" trong lĩnh vực quản lý Intemet. Mặt khác, chúng ta có thể cũng không cấp phép cho những từ mà quốc tế cấm. Hơn nữa, do tiếng Việt có tính đặc thù, ví dụ như từ "bưởi"... nên chúng ta còn có thể không cấp phép cho những từ dễ dẫn đến hiểu nhầm. Do vậy, khi cấp phép cơ quan quản lý và người xin cấp phép cũng cần phải có sự bàn bạc tránh một số từ. Theo tôi, DN nên tránh những từ dễ dẫn đến hiểu nhầm vì mục tiêu phát triển CNTT chung.

Đối với những DN đã được cơ quan quản lý cấp phép nhưng đến nay khi phát hiện chúng ta cho rằng đó là từ mang tính nhạy cảm - ví dụ như DN Cao Anh Chàng với tên (cac.com.vn) thì có bị buộc phải thay đổi? Hay việc có DN đã bị cơ quan công an "gọi lên" bởi website có nội dung đồi trụy nhưng DN lại giải trình là đã bị hacker tấn công làm thay đổi nội dung thì phải xử lý thế nào, thưa ông?

Không thể tuyệt đối được! Nhưng khi phát hiện ra những website có tên "nhạy cảm" và đã cấp lâu rồi nhưng không có "vấn đề" gì xảy ra chúng ta vẫn có thể để. Tuy nhiên, cơ quan quản lý có thể trao đổi với DN để đổi tên nếu việc thay đổi không ảnh hưởng nghiêm trọng đối với hoạt động của họ.

Đối với những website có nội dung vi phạm thì về cơ bản chúng ra vẫn phải dựa vào kết quả của cơ quan điều tra. Nếu DN có thể có những giải trình hợp lý thì chúng ta cũng cần phải xem xét và có thể linh động vì vi phạm lần đầu. Tuy nhiên, đây cũng là một hiện tượng mới cần lưu ý chấn chỉnh. Đặc biệt, chúng ta cũng là một quốc gia "đi sau" trong việc quản lý Internet. Sự phát triển không ngừng của kinh tế thị trường cũng như khoa học kỹ thuật hiện nay luôn phát sinh những vấn đề mới nên công tác xây dựng các văn bản pháp luật và dưới luật cũng cần luôn luôn cập nhật sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện, đáp ứng được nhu cầu phát triển.

Xin cảm ơn ông!

Thứ Tư, 22/02/2006 15:39
31 👨 43
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp