Cuộc sống ảo xâm nhập đời thực

Khi thế giới ảo (virtual world) phát triển, người ta có thể ngồi ở nhà mình, đăng nhập thế giới ảo để bàn bạc với đồng nghiệp ở Trung Quốc, gặp gỡ đối tác ở Mỹ, làm việc nhóm với các lao động ở Nam Phi... Và mỗi người có thể sống 2 hoặc nhiều cuộc đời.

Excavator, bang chủ *V.I.P* thuộc server Châu Giang trong game Võ Lâm Truyền Kỳ đã trả 251 triệu đồng Việt Nam để mua Toàn Thạch Giới Chỉ - một chiếc nhẫn ảo. Chiếc nhẫn có tác dụng tăng tất cả các kỹ năng võ công đang có lên 2 cấp và khả năng kháng băng (chống các đòn đánh băng giá đông cứng) 23%. “Sự quý giá của nó” - Excavator nói - “phải chơi mới hiểu”. Một số người khác cho rằng chiếc nhẫn có khả năng giúp người sở hữu nó lên ngôi minh chủ (trong Võ Lâm Truyền Kỳ).

Thế mà khi ngồi trong buổi đấu giá do ban quản trị website Market4Gamer.net tổ chức, tôi cứ nghĩ không khéo chiếc nhẫn ảo được rao giá khởi điểm 100 triệu đồng này không có người mua. Bỏ ra 100 triệu để mua một cái nhẫn trong game, điều đó vượt quá sức tưởng tượng của nhiều người. Khi vụ mua bán đã ngã ngũ, một đồng nghiệp lớn tuổi của tôi cứ nghĩ cái giá chót 251 triệu là tính theo tiền ảo.

Không chỉ có Excavator, còn có những bạn khác, trẻ măng, đua nhau trả cái nhẫn đến giá hơn 200 triệu đồng. Thì ra dân chơi game có nhiều người rất mạnh về kinh tế. Một game thủ nói trong buổi đấu giá hầu hết những người thành đạt trong game là công chức, người làm kinh doanh, có thu nhập cao và khá thành đạt. Thời game online chỉ có học sinh cấp 2, cấp 3 chơi đã qua rồi.

Ngoài Toàn Thạch Giới Chỉ, còn nhiều món đồ ảo khác được bán với giá không hề thấp. Một cặp song đao được mua với giá 51 triệu đồng, một chiếc bao tay bán được 2.700 USD, một chiếc “đại phong đao” bán được 12 triệu đồng...

Sự “lên hương” của những món đồ ảo này khiến chúng ta không thể không tự hỏi: Phải chăng đó là một sự phi lý? Điều gì đang xảy ra với những thanh niên này? Liệu thế giới ảo sẽ có những tác động như thế nào nữa? Đây là một vài cảm nhận và tìm hiểu ban đầu của tôi:

Thế giới trong các game nhập vai trực tuyến đối với nhiều người Việt Nam, nhất là lớp trẻ, đã trở thành một phần quan trọng của cuộc sống. Mặc dù chưa có những chức năng như “Second Life”, “SimCity”, hay “Multiverse” – những thế giới ảo nổi tiếng trên mạng – nhưng một vài game ở Việt Nam cũng đã tiến dần đến mức trở thành “cuộc sống thứ 2”. Một khi đã trở thành cuộc sống thì nó không còn là ảo nữa. Những giá trị trong đó sẽ là những giá trị thật, và tuân theo những quy luật của thị trường.

Thế giới ảo phát triển, ai cũng có thể sống 2 hoặc nhiều cuộc đời. Không phải là diễn (như trên phim), mà là sống. Chẳng hạn, cuộc đời này là anh công chức tẻ nhạt, còn cuộc đời kia là minh chủ võ lâm, quyền sinh quyền sát, oai trấn giang hồ.

Khi thế giới ảo đã là một phần tất yếu của cuộc sống, tất sẽ sinh ra cộng đồng những người chơi chuyên nghiệp, những dịch vụ chuyên nghiệp phục vụ người chơi, mà Market4Gamer.net là một ví dụ. Nhưng đáng nói hơn thế là một không gian mới mở ra cho rất nhiều hoạt động khác. Chuyện đầu tư mua bất động sản như trong Second Life cũng đã xưa rồi. Ngày nay, Thụy Điển và Maldives đã xây dựng những đại sứ quán ảo trong Second Life với những mục đích rất nghiêm túc là phổ biến văn hóa, cung cấp thông tin, hướng dẫn làm thủ tục cấp visa... Estonia cũng dự định sẽ mở đại sứ quán trong “Second Life” vào tháng 11 tới.

Hạ tầng Internet phát triển và những chức năng ngày càng hoàn thiện hơn trong thế giới ảo, như chức năng giọng nói, hình đại diện (avatar) 3D sinh động... sẽ hỗ trợ rất tốt cho một phương thức làm việc hiện đại – lao động từ xa (teleworking), tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại. Thay vì đến công sở, hay thay vì phải bay sang nước khác để làm việc, người ta có thể ngồi ở phòng ngủ nhà mình truy cập Second Life để bàn bạc với đồng nghiệp ở Trung Quốc, gặp gỡ đối tác ở Mỹ, làm việc nhóm với các lao động ở Nam Phi.... Tiên phong trong việc sử dụng Second Life theo hướng này là tập đoàn IBM. Hiện nay IBM đã dùng Second Life để gặp gỡ lực lượng lao động từ xa của họ ở các nước khác nhau, phổ biến văn hóa tập đoàn và giáo dục ý thức cộng đồng giữa những nhân viên chưa bao giờ gặp nhau ngoài đời thực. Trong tương lai, IBM sẽ mở rộng các hoạt động trong Second Life, như tạo ra những khu vực riêng cho những cuộc thảo luận riêng, gặp gỡ đối tác, đào tạo nhân lực...

Có lẽ nhận ra tiềm năng trong lĩnh vực này, gần đây Trung Quốc cũng đã ký hợp đồng với hãng Entropia Universe để xây dựng thế giới ảo riêng, phục vụ nhu cầu học tập, kết giao, làm việc từ xa của người dân. Trung Quốc còn hi vọng thế giới ảo sẽ góp phần giúp họ giảm nạn kẹt xe và ô nhiễm môi trường – những vấn nạn đang khiến họ đau đầu.

Từ chơi, đến sống, đến học hành, làm việc trong thế giới ảo là một xu hướng không thể xem thường. Tất nhiên thế giới ảo cũng sẽ mang đến nhiều ảnh hưởng tiêu cực, nhưng chúng ta không nên quá bị khía cạnh này thu hút tâm trí đến mức bỏ quên những lợi ích to lớn mà nó có thể mang lại.

Thứ Hai, 05/11/2007 10:17
31 👨 318
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp