Công nghiệp phần mềm Việt Nam: Vẫn “làm thuê” để học

Có không ít ý kiến cho rằng, ngành công nghiệp phần mềm của Việt Nam đang vạch ra mục tiêu phát triển ngành này thành một ngành kinh tế mũi nhọn là quá ảo tưởng. Vì thực chất, ngành phần mềm Việt Nam chủ yếu là gia công cho nước ngoài chứ không tập trung làm những phần mềm đóng gói. Phóng viên (PV) đã mang câu hỏi “Ngành phần mềm Việt Nam, bao giờ hết làm thuê?” trao đổi với ông Phạm Tấn Công, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Phần mềm Việt Nam (VINASA).

VINASA đã có kế hoạch đưa Việt Nam trở thành một cường quốc phần mềm. Thưa ông, dựa vào đâu mà Vinasa lại có kế hoạch này?

Ông Phạm Tấn Công: VINASA chưa hề đưa ra kế hoạch đưa Việt Nam trở thành cường quốc phần mềm của thế giới trong tương lai. Tuy nhiên, Vinasa vẫn đặt ra mục tiêu, kỳ vọng là đưa công nghiệp phần mềm Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn quốc gia và có vị trí cao trong ngành công nghiệp phần mềm thế giới. Song, do mục tiêu này chưa thể đạt được ngay nên nhiều người cho rằng đã thất bại.

VINASA đang xây dựng tầm nhìn mới cho công nghiệp phần mềm Việt Nam. Chiến lược phát triển ngành phần mềm Việt Nam phải đi theo con đường khác, không phải là các mục tiêu về phần mềm đóng gói hay gia công phần mềm, mà trước hết phải là phát triển nguồn nhân lực phần mềm. Bởi để phát triển ngành công nghiệp phần mềm, vấn đề lớn và quan trọng nhất là vốn con người.

So với thế giới, quy mô “vốn” này của Việt Nam còn quá ít. Ta cần định vị yếu tố nhân lực là vấn đề then chốt để ngành công nghiệp phần mềm phát triển. Cần phải đầu tư làm sao để ta chỉ đứng sau Trung Quốc và Ấn Độ về mặt cung cấp nhân lực phần mềm. Nhân lực mới là lực đẩy chủ chốt của ngành phần mềm Việt Nam, có nhân lực là có tất cả.

Cần phải làm sao để năm 2015 có gần một triệu lao động trong ngành phần mềm. Nhưng để làm được điều này, nhà nước phải có chính sách về nhân lực. Cần phải thừa nhận thực tế rằng, Mỹ sẽ đứng đầu thế giới về công nghệ lõi trong nhiều năm nữa. Ấn Độ sẽ giữ vị trí đứng đầu thế giới về mặt cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin. Cơ hội duy nhất còn lại cho Việt Nam là phát triển theo hướng cung cấp nhân lực phần mềm.

Vậy có mối liên hệ nào giữa vấn đề nhân lực với mục tiêu trở thành cường quốc về công nghiệp phần mềm không, thưa ông?

- Trong 10 năm tới Việt Nam chưa thể trở thành một cường quốc công nghiệp phần mềm, song Việt Nam có thể trở thành cường quốc về nhân lực phần mềm. Vì sao lại là nhân lực phần mềm ? Thế giới đang thiếu hụt 1,5 triệu nhân lực phần mềm và không thể tự bù đắp. Như vậy, nếu đầu tư cho lĩnh vực này thì thị trường đầu ra có sẵn. Thêm nữa, tại các nước công nghiệp, hiện giới trẻ không thích làm kỹ sư phần mềm. Còn so với các nước đang phát triển, Việt Nam có lợi thế so sánh hơn hẳn về nguồn nhân lực trẻ và giáo dục phổ thông. Do vậy, nếu tập trung đầu tư cho nhân lực phần mềm (VINASA đang xây dựng chiến lược đột phá phát triển nhân lực phần mềm) thì sau năm 2015, khi có nguồn nhân lực phần mềm lớn thứ ba thế giới, có kinh nghiệm và trình độ quốc tế, Việt Nam sẽ có cơ hội trở thành cường quốc phần mềm của thế giới.

Bên cạnh đó, cũng cần phải xác định mục tiêu và tầm nhìn quốc gia về việc phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam là: lấy công nghiệp phần mềm là trọng tâm, lấy đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng quốc tế là biện pháp đột phá, đưa Việt Nam trở thành trung tâm đào tạo và cung ứng nhân lực phần mềm của thế giới, đồng thời là điểm đến hấp dẫn về gia công và về hợp tác quốc tế phần mềm và dịch vụ.

Ông có thể cho biết đôi chút về hiện trạng của ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam?

Ngành phần mềm của Việt Nam hiện chiếm tỷ trọng 0,4% GDP. Tốc độ tăng trưởng 30-40%/năm. Hiện phần mềm là ngành công nghiệp có tốc độ tăng trưởng dẫn đầu trong nền kinh tế. Dự kiến với tốc độ tăng trưởng này và theo kế hoạch của Chính phủ thì năm 2010 sẽ đạt doanh số 800 triệu đô-la Mỹ.

Thực tế là ngành phần mềm Việt Nam chỉ mạnh ở khâu gia công, chứ không có mấy phần mềm đóng gói trong nước, nhất là những phần mềm thông dụng (phần mềm văn phòng)?

Đúng là hiện các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ tập trung làm những phần mềm nhỏ mang tính chuyên ngành như kế toán, tiền lương, nhân sự, bán hàng… Nhưng cũng phải thấy rằng đã có thời kỳ nhiều công ty đầu tư làm phần mềm đóng gói nhưng do tỷ lệ vi phạm bản quyền tại nước ta cao nên các doanh nghiệp đã không đầu tư theo hướng này vì như vậy là quá mạo hiểm. Nên các công ty phần mềm tránh làm những phần mềm đóng gói phổ dụng đại trà. Họ chuyển sang hướng sản xuất phần mềm đóng gói theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp phần mềm tập trung vào hướng gia công bởi đây là hướng phát triển an toàn, liên thông quốc tế, lợi nhuận cao và tăng trưởng tốt.

Như vậy có thể hiểu rằng doanh nghiệp phần mềm Việt Nam thích đi “làm thuê” hơn, thưa ông?

Việc gia công trong lĩnh vực phần mềm khác với các lĩnh vực khác. Đây là lĩnh vực gia công công nghệ cao nên có thể hiểu rằng Việt Nam đang tham gia vào quy trình sản xuất phần mềm quốc tế. Công đoạn gia công cần nhân lực có trình độ thấp hơn được đặt hàng cho phần mềm Việt Nam. Khâu thiết kế và tích hợp hệ thống được làm tại các nước phát triển.

Với ngành phần mềm, không nên nặng nề với khái niệm làm thuê. Nên đặt vấn đề là Việt Nam đã làm được gì và bao giờ ngành phần mềm trở thành ngành trọng yếu trong nền kinh tế của đất nước. Gia công phần mềm cũng là hoạt động kinh tế. Nếu làm thuê ở ngành phần mềm đem lại hiệu quả gấp mấy lần so với việc tự làm ở các ngành khác thì tại sao không làm. Phải thấy rằng, khi chưa giỏi về công nghệ thì có thể đi làm gia công để vừa làm vừa học. Không ai chưa làm thợ mà đã làm thầy được cả.

Ở trình độ nhân lực phần mềm còn yếu như Việt Nam, nếu đặt vấn đề cần phải làm những phần mềm đóng gói để bán cho thế giới như Microsoft, Oracle, IBM... thì là ảo tưởng. Ngay như Ấn Độ, 15 năm trước họ cũng chỉ mạnh về mặt gia công phần mềm. Do vậy, phải tham gia làm công phần mềm để tiếp cận công nghệ và “lớn” lên. Điều mà ngành phần mềm Việt Nam đang làm (gia công) là một trong những bước đi để thực hiện mục tiêu trở thành quốc gia có ngành công nghiệp phần mềm phát triển.

Như vậy có thể nói việc có được những phần mềm thông dụng như hệ điều hành, ứng dụng văn phòng... chỉ là ước mơ?

Việc có được những phần mềm thông dụng trở thành những phần mềm đối trọng của các tên tuổi lớn chỉ là ước mơ không chỉ của Việt Nam mà cả nhiều nước khác. Trên thế giới hiện hơn 90% máy tính vẫn sử dụng hệ điều hành Windows và phần mềm ứng dụng văn phòng Office của Microsoft. Chưa có quốc gia nào trên thế giới thành công trong việc phát triển những phần mềm trở thành đối trọng của Microsoft cả. Microsoft hiện dẫn đầu thế giới về công nghệ. Và có khoảng cách khá xa về công nghệ trong ngành phần mềm.

Nên nếu chỉ tập trung đi làm những phần mềm để trở thành đối trọng với phần mềm của các hãng lớn thì chắc chắn sẽ “chết” và đó là cách làm không khôn ngoan, ảo tưởng. Tất nhiên việc thế giới cũng như Việt Nam phát triển được những phần mềm trở thành đối trọng của Microsoft chỉ là vấn đề thời gian. Tuy nhiên, rất khó mà nói trước được khoảng thời gian đó cụ thể là khi nào.

Thưa ông, như vậy ta cứ mãi đi làm gia công thì sao mà biết được trình độ công nghệ đã được nâng cao?

Trình độ công nghệ được nâng cao cũng biểu hiện trong giá trị của lao động phần mềm Việt Nam đang được nâng lên hằng ngày. Biểu hiện về trình độ công nghệ của nhân lực phần mềm nó cũng thể hiện ở chi phí nhân công. Trước đây 10 năm, nhân công Việt chỉ đựoc trả 8-10 đô-la cho mỗi ngày làm việc thì năm 2007 đã có công ty Việt Nam ký được hợp đồng với nước ngoài, trong đó những chuyên gia cao cấp được trả lương 125 đô-la cho một giờ làm việc. Nên việc đưa Việt Nam trở thành một cường quốc nhân lực phần mềm là hoàn toàn có cơ sở và không hề ảo tưởng. Vấn đề là chúng ta cần phải đưa ra những lộ trình và biện pháp phù hợp mà thôi.

Thứ Ba, 30/10/2007 11:24
31 👨 231
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp