Chuyển hình ảnh 2D sang 3D trên TV 3D

Những mẫu TV 3D thế hệ mới của Samsung, Sony, LG, Sharp... đều được trang bị bộ xử lý 3D tích hợp, cho phép chuyển nội dung 2D thành 3D.

Thiếu thốn nguồn nội dung 3D là một trở ngại lớn để TV 3D thế hệ mới được phổ biến và phát triển. Số lượng đĩa phim 3D Blu-ray còn quá ít, truyền hình 3D vẫn chưa chính thức lên sóng khiến 3D vẫn chưa làm khách hàng thực sự hài lòng. Bởi vậy, các nhà sản xuất TV hàng đầu trên thế giới hiện nay hầu hết đều tích hợp thêm cho TV 3D của mình một bộ chuyển đổi, giúp xử lý các tín hiệu hình ảnh từ 2D sang 3D.


Giao diện điều chỉnh tính năng 3D trên mẫu TV Samsung 3D LED C7000. (Ảnh: T.A).

Trong số các mẫu TV 3D đã phát hành ra thị trường hiện nay, chỉ có duy nhất Panasonic từ chối áp dụng công chuyển 2D sang 3D trên sản phẩm của mình, ngược lại, Samsung lại áp dụng công nghệ này cho tất cả các model 3D. Ông Nguyễn Văn Đạo, Phó tổng giám đốc công ty điện tử Samsung Vina, cho biết, tất cả các dòng TV 3D của hãng, từ LED, Plasma, cho đến LCD đều sẽ có tính năng chuyển đổi hình ảnh sang 3D. Tất nhiên, người xem vẫn phải đeo kính 3D chuyên dụng.

Về thực chất, khi người dùng bật tính năng chuyển đổi 3D lên, một hình ảnh 2D thông thường sẽ được bộ xử lý bên trong TV biến đổi và nội suy thành một hình ảnh có đôi chút khác biệt so với hình ảnh gốc. Sau đó, TV 3D sẽ trình chiếu đan xen cả hai hình cùng một lúc. Bởi vậy, nếu không đeo kính, người xem sẽ chỉ thấy các hình ảnh bị nhiễu, nhòe với các "bóng ma". Còn thông qua kính trập hình động, từng mắt trái và phải sẽ nhận được hình ảnh gốc và hình ảnh bị biến đổi. Hình ảnh lại trở nên rõ nét như 2D và như vậy, bạn có thể cảm nhận được chiều sâu của các vật thể trên màn hình.

Nhưng tính năng chuyển đổi hình ảnh 3D lại không thể tạo ra được hình ảnh 3D sống động, chân thực như những nội dung 3D gốc ở trên đĩa Blu-ray 3D hay truyền hình 3D. Một bộ phim 3D gốc sẽ được quay và có những góc lia máy đặc biệt, thực hiện từ một camera 3D chuyên dụng như ở phim Avatar, hoặc được máy tính giả lập, tính toán, xử lý đồng bộ từng khung hình một như Alice in Wonderland. Nhờ vậy, hình ảnh 3D gốc không chỉ có chiều sâu mà còn tạo ra các hiệu ứng vật thể nổi, bay, hay lao ra khỏi màn hình. Trong khi đó, bộ chuyển đổi 3D tích hợp sẽ gặp nhiều giới hạn về khả năng xử lý, không cho phép tạo ra các hiệu ứng ba chiều sống động như vậy. Người xem sẽ chỉ thấy các vật thể xuất hiện thành từng lớp, từng lớp một, để cảm nhận được cái nào đứng trước, đứng sau trong mỗi khung hình.

Anh Lê Minh Tuấn (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đưa ra nhận xét sau khi thử tính năng 3D trên Samsung C7000, "hình ảnh 3D giả lập rất rõ nét và vẫn giữ được sự chính xác về màu sắc như hình 2D gốc, không bị mất màu như loại 3D analyph hay quá tối như kiểu 3D phân cực. Nhưng các hiệu ứng 3D giả lập này vẫn còn thua nếu so với hai loại 3D thế hệ cũ trước kia".


Sử dụng tính năng chuyển đổi 2D sang 3D với nguồn tín hiệu truyền hình HD. (Ảnh: T.A).

Tuy nhiên, lợi thế của tính năng chuyển đổi 3D là việc nó tương thích với tất cả các tín hiệu 2D, bất kể là nguồn analog hay kỹ thuật số và không hề gây ra hiện tượng trễ hình. Bởi vậy, để thay thế cho việc có quá ít đĩa Blu-ray 3D được phát hành, hay truyền hình 3D chưa lên sóng, bạn có thể thưởng thức các hình ảnh nổi thông qua đầu Blu-ray thông thường, đầu phát HD, máy tính, đầu DVD hay truyền hình HD, truyền hình kỹ thuật số hay truyền hình cáp thông thường.

Samsung Việt Nam cho biết, TV 3D thế hệ mới của họ cũng tương thích với các loại phim 3D analyph kiểu cũ. Nhưng người xem sẽ phải sử dụng loại kính Red-Cyan (kính đỏ xanh) loại cũ để xem được các hình ảnh 3D. Kính chuyên dụng sẽ không hoạt động được với định dạng 3D này còn TV 3D sẽ chuyển thành TV 2D thông thường.

Chất lượng của hình ảnh 3D giả lập sẽ tỷ lệ thuận với chất lượng và độ phân giải của nội dung và nguồn phát. Các bộ phim Blu-ray hay truyền hình HD sau khi chuyển sang 3D sẽ tạo ra cảm giác sâu hơn là những hình ảnh chỉ có chất lượng DVD, SD hay truyền hình analog thông thường. Độ nét càng thấp, hình ảnh 3D sau khi giả lập càng bị phẳng dần và mất đi chiều sâu.

Ngoài ra, khi sử dụng tính năng này, người xem cũng nên lưu ý thêm, chất lượng hình ảnh 3D càng cao và sắc nét thì hiện tượng mệt mỏi hay khó chịu ở mắt cũng ít xảy ra hơn. Nếu không muốn gặp hiện tượng buồn nôn, nhức đầu hay mỏi mắt khi xem 3D "giả lập", nên tắt chế độ 3D và chuyển lại 2D nếu gặp những hình ảnh chuyển động quá nhanh, có quá nhiều chi tiết và vật thể xuất hiện cùng trong một khung hình.


Nếu không dùng đến kính chuyên dụng, những hình ảnh 3D gốc bị nhòe và có nhiều bóng ma hơn rất nhiều các hình ảnh 3D "giả lập". (Ảnh: T.A).

Dù tính năng chuyển đổi 3D trực tiếp ngay trên TV là khá thú vị nhưng chưa thật sự có nhiều hiệu quả. Theo ông Lê Quang Vũ, Tổng giám đốc siêu thị điện máy Media Mart, nếu muốn thưởng thức những thước phim 3D sống động và ấn tượng ngay tại nhà, định dạng Blu-ray 3D vẫn là lựa chọn phù hợp nhất. Tất cả các mẫu TV 3D hiện nay dù có hay không có bộ tích hợp chuyển đổi 3D vẫn có thể tương thích với các loại đầu và phim Blu-ray 3D. Lúc này, TV 3D sẽ không còn nhiệm vụ chuyển đổi các tín hiệu 2D sang 3D nữa, thay vào đó, đầu đĩa sẽ đọc nội dung 3D và phát tới màn hình. Còn TV chỉ còn giữ nhiệm vụ đồng bộ sao cho phát đúng khung hình tới từng mắt của kính 3D chuyên dụng, giúp khán giả thấy được các hiệu ứng ba chiều.


Hai chuẩn tín hiệu 3D Blu-ray đang được các nhà sản xuất áp dụng hiện nay. (Ảnh: CEpro).

Đối với đầu 3D Blu-ray và nội dung 3D gốc, hầu hết các nhà sản xuất hiện nay đều đang sử dụng hai chuẩn 3D là Side-by-side và Top-and-Bottom. Trong đó, chuẩn Side-by-side sẽ đạt độ phân giải 1.920 x 1.080 pixel, chất lượng tối đa là Full HD 1080p, còn chuẩn Top-and-bottom chỉ có chất lượng HD 720p thấp hơn, với độ phân giải cao nhất 1280 x 720 pixel. Sự khác biệt giữa Side-by-side và Top-and-bottom cũng tương tự như ở chuẩn 2D thông thường, Full HD và HD.

Thứ Sáu, 28/05/2010 07:29
31 👨 1.284
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp