Chọn mua eBook Reader nào?

Thiết bị đọc sách điện tử nhận được sự quan tâm ngày càng nhiều từ phía người dùng. Bản thân sự có mặt của iPad và các dòng máy tính bảng cũng một lần nữa khơi dậy sự “tò mò” của cộng đồng khi ghép được nhu cầu của người yêu sách với các nhu cầu giải trí, văn phòng khác. Vậy nhu cầu sử dụng thực tế của bạn sẽ cần một chiếc máy thế nào là phù hợp nhất?

Bản thân những thiết bị chuyên cho đọc sách điện tử vẫn có thế mạnh của riêng chúng và không phải tự nhiên các nhà sản xuất vẫn liên tục tung ra nhiều mẫu máy mới dù cho những phiên bản máy tính bảng đầy hấp dẫn như iPad ngày càng tràn ngập. Vấn đề nằm ở chỗ: làm thế nào để bạn tìm được thiết bị phù hợp cho nhu cầu của bản thân? Một chiếc eBook Reader phải đáp ứng tốt nhiệm vụ tối cao: hiển thị văn bản rõ ràng. Tuy nhiên, nó cũng phải có thời lượng dùng pin lâu, dễ mang đi lại, có màn hình không gây mỏi mắt và đọc tốt trong nhiều điều kiện môi trường khác nhau. Điều may mắn là hầu như mọi sản phẩm máy đọc sách hiện tại đều đáp ứng được yếu tố này nhưng ở góc nhìn khác, nó lại khiến cho việc chọn lựa khó khăn hơn.

Thực tế, thị trường eBook Reader hiện tại rất phong phú với nhiều lựa chọn khác nhau cả về hình thức, kiểu dáng tới tính năng. Hầu hết các máy đều có kích thước như một trang sách với màn hình e-Ink – xuất xứ từ một công ty tại Cambridge Massachusetts. Vấn đề là bạn sẽ chọn Kindle (giá bán lẻ khoảng 360USD) từ Amazon vốn rất thông dụng hay đến với những lựa chọn từ những thương hiệu khác? Bản thân những nhà sản xuất máy tính như ASUS cũng giới thiệu nhiều mẫu sách điện tử trong Computex 2010 vừa qua. Trong khi đó, nhiều tin đồn cũng cho biết Apple đang dự định ra mắt mẫu iPad 7 chuyên dành cho việc đọc sách điện tử. Dưới đây là những điều bạn cần xem xét khi chọn lựa thiết bị đặc biệt này.

Địa điểm nơi bạn ở

Nhiều mẫu máy đọc sách điện tử chỉ hỗ trợ những mạng không dây băng thông rộng nhất định. Điển hình như Kindle sử dụng EVDO của Sprint tại Mỹ. Do đó nếu bạn mang chúng về Việt Nam, cách duy nhất bạn có thể đưa sách vào máy là qua kết nối USB. Điều này rõ ràng không tiện dụng bằng việc mua sách trực tiếp qua giao tiếp không dây ở mọi nơi, mọi lúc – hoàn toàn độc lập với máy tính.

Những người mua hàng quốc tế có thể sẽ không đủ điều kiện mua những chiếc máy như Kindle DX của Amazon trừ khi họ có địa chỉ cố định tại Mỹ. Ngay cả khi bạn có người thân mua hộ từ Mỹ về, bạn cũng chẳng dùng được với mạng dữ liệu nào khác và buộc phải copy dữ liệu vào máy qua USB. Trong trường hợp này, nhiều khả năng việc mua một mẫu máy rẻ hơn chỉ sử dụng USB ví dụ như Sony Reader lại hợp lý. Thực tế, không ít những mẫu máy đọc sách điện tử được bán chuyên cho từng quốc gia. Điển hình như BeBook chủ yếu chỉ có mặt ở châu Âu trong khi Flepia của Fujitsu lại chỉ dành cho thị trường Nhật.

Khả năng truy cập tới nội dung số

Có thể nói đây là một trong những yếu tố hàng đầu cần lưu tâm khi bạn mua thiết bị đọc sách điện tử. Hầu hết các nhà sản xuất đều có những mô hình phân phối sách của riêng mình. Bản thân kích thước các thư viện này đóng vai trò rất quan trọng. Càng có nhiều nguồn xuất bản sách, người dùng càng có cơ hội tiếp cận những cuốn mà mình muốn đọc.
Đây cũng chính là điểm khiến cho Kindle của Amazon vượt lên các đối thủ khác. Với tư cách là nhà bán lẻ sách trực tuyến lớn nhất hiện nay, Amazon đã tận dụng quan hệ của mình để nâng tầm cho Kindle với các loại sách điện tử. Hệ quả là người dùng có được kho sách khổng lồ với hơn 300.000 tựa khác nhau – theo Amazon cho biết.

Tuy nhiên, những nhà sản xuất khác như Sony cũng bắt kịp rất nhanh. Hãng này vừa công bố liên minh với Google để đưa hơn nửa triệu tựa sách lên cửa hàng sách điện tử của mình. Những chủ nhân máy Sony có thể sử dụng các sách này hoàn toàn miễn phí. Trong khi đó, những dòng máy đọc sách điện tử của thương hiệu khác không có được sự hậu thuẫn như vậy. Dù cho người dùng vẫn có thể mua được sách từ các cửa hàng trực tuyến nhưng hiển nhiên việc chia sẻ nội dung sẽ không được thuận lợi. Nó cũng giống như việc bạn mua nhạc từ iTunes để đưa lên iPod so với đưa lên một chiếc MP3 từ nhà sản xuất khác vậy.

Các định dạng sách điện tử được hỗ trợ

Hầu hết các loại máy đọc eBook đều hỗ trợ những định dạng thông dụng gồm HTML, TXT, MP3, JPG… Cuộc chiến định dạng trong thế giới eBook chủ yếu xảy ra giữa .azw của Amazon và định dạng mở ePub. Trong khi Kindle không hỗ trợ ePub thì hầu như toàn bộ các loại khác lại ưu ái chuẩn này.
Thực tế điều này ảnh hưởng rất lớn tới người dùng. Vô số các nhà xuất bản sách điện tử sử dụng ePub – kể cả kho sách của Google. Với ưu thế “mở”, ePub cho phép các nhà xuất bản tạo ra những sản phẩm tốt hơn là .azw của Amazon. Bên cạnh đó, ePub cũng không bị khóa bởi DRM phiền toái. Vậy bạn sẽ muốn ở bên nào của chiến tuyến? Với Kindle, bạn sẽ có được sự hỗ trợ tốt và kho sách (hợp pháp) lớn với đủ tựa hấp dẫn của Amazon trong khi các dòng sản phẩm khác sẽ tạo ra sự thoải mái trong khi sử dụng. Bản thân chiếc iPad mới của Apple cũng sử dụng ePub như chuẩn chính thức cho kho sách iBook của mình. Dĩ nhiên, các nội dung cá nhân đều có thể được truyền tải lên bất cứ thiết bị nào thông qua các định dạng HTML, JPG hay TXT.

Không chỉ là đọc sách


Ngoài việc đọc sách, bạn còn muốn dùng máy của mình cho việc gì? Nếu sách là yêu cầu duy nhất, những mẫu máy giá rẻ sẽ hỗ trợ tốt nhu cầu này nhưng thường chúng sẽ không làm thêm điều gì đặc biệt. Nếu bạn muốn đọc blog cá nhân hoặc xem các tạp chí trực tuyến, bạn sẽ cần những thiết bị như Kindle. Lý do là vì Amazon cho phép người dùng sử dụng blog trên dòng máy này. Ngoài ra, với kết nối Wi-Fi, máy cũng cho phép người dùng lướt web khá tốt. Bạn cũng có thể chọn các dòng máy với Linux bởi chỉ vài thủ thuật ‘hack’ có thể cho phép bạn chạy nhiều ứng dụng rất tiện lợi.

Thương hiệu và giá cả

Vấn đề cuối cùng cần lưu tâm chính là túi tiền của bạn cũng như sở thích thương hiệu cá nhân. Chẳng người dùng nào muốn tiêu khoản tiền dành dụm của mình vào sai chỗ cả. Trong khi Kindle là một lựa chọn hấp dẫn rất thông dụng, mức giá 360USD của nó không hề rẻ. Nhiều lựa chọn từ các thương hiệu có tiếng của Đài Loan chỉ có giá trên dưới 200USD. Bạn có thể tham khảo một số mẫu máy dưới đây để chọn lực cho mình một sản phẩm phù hợp.

* SONY eBook PRS-505

Đây một trong những ebook reader đình đám nhất hiện nay với màn hình đọc theo công nghệ e-Ink, cho phép người dùng không bị mỏi mắt khi đọc. Khả năng nhìn nghiêng 180 độ và đặc biệt hiển thị như giấy in thường. Máy tích hợp đầu đọc thẻ SD và MS cho phép nâng dung lượng lưu trữ sách. Máy tích hợp khả năng nghe nhạc MP3 với giắc cắm tai nghe 3.5 thông dụng. Máy có 8 chế độ gray cho phép bạn đọc sách dễ dàng, và đặc biệt cho phép đọc 7500 trang ebook cho một lần sạc pin, hỗ trợ nhiều chuẩn ebook. Giá bán 450USD.

* Amazon Kindle DX

Mẫu eBook Reader đình đám của của Amazon với màn hình e-Ink 9,7”, hỗ trợ đọc tạp chí điện tử, blog, PDF và các loại sách điện tử. Máy chỉ dày khoảng 1/3 inch với thời gian khởi động chưa tới 60 giây. Theo nhà sản xuất, Kindle DX có thể vận hành độc lập mà không cần PC – một điểm mạnh so với iPad. Bên cạnh đó, nó cũng có thời lượng pin lên tới 1 tuần với Wi-Fi. Nếu chỉ đọc sách, Amazon cho biết Kindle DX có thể chạy liên tục 2-3 tuần. Giá tham khảo: 380USD.

* Teclast K5

Thiết bị có màn hình màu LCD 5” độ phân giải 800 x 480 sử dụng công nghệ c-Paper. Ngoài việc hỗ trợ đọc eBook với các định dạng phổ biến TXT, PDF, PDB, DOC, EPUB, HTML và e-book khác định dạng phong phú bao gồm cả tập tin Microsoft Word, Teclast K5 tập trung vào phân khúc người tiêu dùng xem truyện tranh có màu sắc trên PDF. Máy cũng hỗ trợ video định dạng chất lượng cao như RMVB / FLV / AVI theo chuẩn HD 720p. Bộ nhớ tích hợp sẵn của máy là 4GB nhưng người dùng có thể bổ sung thêm qua thẻ nhớ ngoài. Giá tham khảo: 125 USD.

Thứ Năm, 07/10/2010 10:12
31 👨 883
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp