Chọn máy ảnh phù hợp với bạn

Máy ảnh số nghiệp dư là lựa chọn tốt nhất của đa số người dùng chập chững bước chân vào lĩnh vực nhiếp ảnh. Dưới đây là những kiến thức cơ bản về chủng loại máy này cũng như những gợi ý tiêu biểu nhất ở cả ba tầng thấp, trung và cao cấp.

Thông thường người mới dùng máy ảnh (newbie) không nên “bập” ngay vào dòng bán chuyên và chuyên nghiệp nhiều tính năng phức tạp mà hãy bắt đầu bằng một sản phẩm nhỏ gọn bỏ túi. Ở nhánh máy ảnh nghiệp dư này, người dùng sẽ được hướng dẫn rõ ràng cụ thể với những tính năng khó hoặc tìm ngay các chế độ tự động dễ dùng.

Bao nhiêu chấm là đủ?

Canon Powershot A590 IS


Ở thời điểm này, thật khó tìm thấy một model mới nào ít hơn 7 Megapixel. Những máy ảnh tiêu biểu dưới đây còn có độ phân giải tối thiểu 8 “chấm” đủ để tạo ra các bức ảnh chất lượng cao và cỡ ảnh in khá lớn. Nếu là fan cuồng của số chấm, bạn còn có thể tìm thấy model như Sony Cybershot W300 hiện là quán quân nhánh máy ảnh compact với 13,6 Megapixel.

Nếu muốn chụp nhanh ảnh du lịch với thân máy cơ động và không quá cầu toàn về chất lượng, một máy ảnh nghiệp dư là phù hợp nhất. Trong khi hầu hết các sản phẩm chỉ được trang bị các tính năng tự động (auto), một số model cho phép cài đặt chỉnh tay chẳng hạn 2 model cấp thấp Canon PowerShot A590 IS và Fuji FinePix J10 (đều có giá dưới 200 USD). Ở tầng trên cũng có các model như Canon Ixus 90, Panasonic Lumix DMC-FS20 và DMC-FX55, giá dao động 300-350 USD.

Các máy ảnh compact này thường có zoom quang phổ biến 3x hoặc 4x. Tuy nhiên, cũng có những model zoom quang tới 5x chẳng hạn chiếc Pentax Optio M50 hay Sony Cybershot T300 cao cấp với màn hình cảm ứng.

Ở tầng thấp, Canon A590 IS được nhắc đến nhiều vì giàu có các tính năng nâng cao như phát hiện khuôn mặt, ổn định ảnh, và một số lựa chọn chỉnh tay trong giá bán 180 USD. Mặc dù thiết kế hơi nhàm chán nhưng với người mới bắt đầu, A590 IS gần như có tất cả những gì bạn cần.

Chiếc Fuji FinePix F50fd 12 “chấm” giá hợp lý (225 USD) cũng có nhiều tính năng hấp dẫn như các chế độ tự động nâng cao, màn hình LCD chất lượng cao, các nút điều khiển thoải mái tiện dụng. Ở tầm ngân sách rủng rỉnh hơn, Sony T2 (350 USD) có thêm màn hình cảm ứng với các lựa chọn chỉnh sửa ảnh ngay trên máy bao gồm cả khả năng khử lỗi mắt đỏ. Nó còn có bộ nhớ trong lên tới 4 GB làm mờ đi vai trò của thẻ nhớ.

Tính năng cao cấp hơn

Canon Ixus 860 IS


Nếu chú trọng chụp ảnh tập thể, bạn cần tìm các model có tính năng phát hiện khuôn mặt. Tính năng này giúp dò tìm và lấy nét ưu tiên khuôn mặt, nâng cao chất lượng bức hình tập thể nhờ tối ưu màu sắc và cân bằng trắng.

Một tin tốt lành là khá nhiều model mới có tính năng này. Thậm chí ở các model như Canon Ixus 860 IS, 970 IS và 80 IS, tính năng này làm việc rất chính xác, hiệu quả. Cụm từ IS là viết tắt của Image Stablilization (ôn định ảnh), tính năng giúp giảm mờ ảnh do run tay hoặc chủ thể đang di chuyển. Tính năng này giờ cũng là tiêu chuẩn mới, có mặt ở hầu hết model ra mắt gần đây.

Chiếc Canon Ixus 80 IS còn có kính ngắm quang học (viewfinder) nhằm hỗ trợ trong trường hợp màn hình LCD bị lóa, khó ngắm ảnh dưới nắng mặt trời trực tiếp. Một số người vẫn thích ngắm bằng cơ cấu viewfinder truyền thống này trong khi số khác lại thích màn hình LCD cỡ lớn vì việc lên khung và xem lại hình dễ dàng hơn. Đối với người thích ngắm bằng LCD, chiếc Ixus 860 IS là lựa chọn tốt vì nó thay viewfinder bằng màn hình LCD 3 inch sáng đẹp. Chiếc Sony T300 còn có màn hình LCD định dạng rộng wide 16:9. Panasonic LS20 còn có màn hình có thể tự chỉnh được độ sáng để thích nghi với môi trường xung quanh, hữu ích khi ngắm và chụp ảnh dưới nắng mặt trời.

Nikon Coolpix P60 còn có tính năng thú vị như kính ngắm điện tử (giống kính ngắm quang học nhưng hình ảnh nhận được thực chất được chiếu lên một màn hình nhỏ) để hỗ trợ nhiều hơn trong việc cài đặt và xem lại bức hình.

Nếu như các chế độ tự động (Auto) theo kiểu cài đặt mặc định (default) thường cho chất lượng bức ảnh ít thuyết phục thì một số model được cải tiến theo hướng thông minh hơn. Cụ thể Panasonic có chế độ chụp tự động thông minh (Intelligence Auto). Khi đó, máy ảnh sẽ tự động so sánh tình huống theo một trong các chế độ auto hoặc chụp cảnh mặc định (scene mode) khác nhau, nhằm chọn ra chế độ phù hợp giúp tạo ra các bức hình khả quan nhất. Ở các model EasyShare M1033 và V1073 của Kodak cũng có các chế độ tương tự tên gọi phát hiện cảnh, điều khiển chụp và xử lý ảnh thông minh.

Mặc dù không thể thay thế được các máy quay chuyên dụng, nhiều máy ảnh nghiệp dư có cả chế độ quay video khá tiện dụng thậm chí chất lượng vượt xa trông đợi. Chẳng hạn chiếc Kodak M1033 cho phép qua video chất lượng cao (HD) độ phân giải 1280x720 pixel ở tốc độ khung 30 hình/giây. Chất lượng video nhìn chung khá mượt ít có hiện lượng nhòa hay giật hình. Một số sản phẩm chẳng hạn Casio Exilim EX-Z9 hay EX-Z80 còn được liên kết với Youtube để dễ dàng tải thẳng video lên trang chia sẻ này mà không cần mở trang. Chiếc Casio Exilim EX-S880 còn có thể quay video MPEG-4 H.264 - định dạng nhẹ nhất nên chiếm rất ít không gian thẻ nhớ.

Lưu ý một số model đời cũ chỉ cho quay được chừng 30 phút video vì vậy hãy kiểm tra kỹ để đảm bảo chọn được dòng cho phép quay không giới hạn, tức là đầy bộ nhớ mới thôi. Cũng có sản phẩm cho phép zoom khi đang quay video chẳng hạn chiếc Kodak EasyShare V1073 hay Canon Ixus 860 IS mặc dù số này chưa nhiều.

Thứ Hai, 22/09/2008 14:15
31 👨 761
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp