Chiến lược "ngược đời" của Facebook

Không những không cắt giảm chi tiêu và nhân sự, Facebook coi khó khăn kinh tế là lý do để tiến lên phía trước với những kế hoạch tăng trưởng "hùng hổ".

"Đây không phải là thời điểm để các công ty CNTT lùi lại. Đây là thời điểm để tăng tốc", Peter Thiel, một thành viên ban giám đốc và là nhà đầu tư của Facebook, nói.

"Chi hôm nay, thu lợi nhuận sau"

Các nhà quản trị Facebook nghĩ họ có thể dùng thực tế khó khăn để giành điểm trong cuộc cạnh tranh. Công ty đang nhắm đến nhiều vụ thâu tóm hơn, tuyển dụng nhiều hơn và tung ra nhiều chương trình quảng cáo mới. Thay vì cắt giảm chi phí phát triển trang web, Facebook để các kỹ sư thử nghiệm các phiên bản bằng nhiều ngôn ngữ khác như như Xhosa, Tagalog, và French Canadian để tranh thủ người dùng toàn thế giới. "Chúng tôi đã ở trong cuộc chơi này không chỉ 5 hay 10 năm", Sheryl Sandberg, Giám đốc quản lý của Facebook, nói. Đến cuối năm nay, Facebook có khoảng 800 nhân viên, tăng gấp đôi từ mức 400 người vào cuối năm 2007.

CEO Mark Zuckerberg của Facebook

Công ty thậm chí cắt giảm mục tiêu doanh thu để đầu tư thu hút thêm người dùng. Vào tháng 1/2008, nhà sáng lập và là CEO Mark Zuckerberg của Facebook nói họ nhắm tới mức doanh thu 300 triệu đến 350 triệu USD trong năm nay. Nhưng mới đây, Zuckerberg và ban giám đốc đã hạ thấp mục tiêu doanh thu xuống 250 triệu đến 300 triệu USD. Thiel cho biết các kỹ sư của Facebook còn được thuyên chuyển từ các chương trình quảng cáo sang tập trung làm mới các tính năng, ngôn ngữ và các dự án khác giúp tăng trưởng người dùng. Ngay cả khi nền kinh tế yếu đi trong những tháng gần đây, Facebook đã quyết định áp dụng chiến lược "chi hôm nay, thu lợi nhuận sau".

Đó là một chiến lược dũng cảm, hiếm thấy ở Silicon Valley. Facebook chưa thu lợi nhuận, nhưng Thiel nói công ty vẫn có đủ năng lực tài chính để tiến lên. Hãng tuyên bố vẫn có đủ tiền mặt trong 3 hoặc 4 năm nữa. "Nếu chúng tôi ngừng tăng trưởng người dùng, chúng tôi có thể kiếm tiền", Thiel nói.

Chiến lược của Facebook trái ngược hoàn toàn với đối thủ MySpace. Là một đơn vị của tập đoàn truyền thông News Corp dưới triều đại của "trùm" Rupert Murdoch, MySpace đã ngừng tăng trưởng người dùng để tập trung vào lợi nhuận. Trong năm qua, mạng xã hội này phát triển khiêm tốn, với 118 triệu người dùng. Trong khi Facebook tăng gấp đôi về quy mô, đạt 161 triệu người dùng, theo hãng nghiên cứu comScore.

MySpace phản pháo rằng tốc độ tăng trưởng không quan trọng. Travis Katz, đứng đầu việc điều hành các hoạt động quốc tế của MySpace, nói khoảng 85% chi phí quảng cáo trực tuyến thế giới đang tập trung vào 5 thị trường lớn - Mỹ, Anh, Nhật Bản, Đức và Pháp. Tại những thị trường này, MySpace lớn hơn 30% so với bất kỳ đối thủ nào. Đó là một lý do MySpace, mặc dù có số lượng người dùng ít hơn, sẽ tạo ra khoảng 606 triệu USD doanh thu trong năm nay, theo hãng tài chính Goldman Sachs, nhiều gấp 2 lần doanh thu của Facebook. "Chúng tôi không lo về sự có mặt của mình tại mỗi đất nước trên thế giới", Katz nói.

Facebook có thể chưa xuất hiện tại mọi nước, nhưng những nhà quản trị hàng đầu như Zuckerberg đã gây được ấn tượng họ muốn. Một trang mạng xã hội có thể kết nối mọi người với bạn bè ở ả Rập Xê út hay Philippine hay Tonga, đơn giản sẽ có giá trị hơn những mạng khác không thể. Giám đốc tài chính Gideon Yu nói ông đang tích cực tìm kiếm các thương vụ để mở rộng tầm với của công ty. Những lựa chọn hàng đầu có thể là ở Brazil, Đức, ấn Độ hay Nhật Bản, nơi Facebook vẫn chưa phổ biến.

Cùng lúc đó, Facebook cần tìm ra một mô hình kinh doanh bền vững. Tập trung vào mở rộng nghĩa là Zuckerberg và Sandberg phải đối mặt với một công ty khổng lồ.

Cách kiếm tiền "không giống ai" của Facebook

Facebook hy vọng sẽ kiếm tiền theo 3 cách. Quảng cáo trực tuyến là cách kiếm tiền quan trọng nhất, chiếm khoảng 200 triệu đến 225 triệu USD doanh thu trong năm nay. Ngoài ra, hãng sẽ bán các hàng hóa kỹ thuật số - các phiên bản điện tử của ghi -ta, hoa, và những gì mà bạn bè Facebook sẽ trao cho nhau. Với mức phí 1 USD /mặt hàng, hãng sẽ có 30 đến 40 triệu USD trong năm nay.

Cách kiếm tiền thứ ba của Facebook đang gây nhiều tranh cãi nhất. Công ty đang xem xét cẩn thận một kế hoạch thu tiền từ các nhà phát triển phần mềm, những người tạo ra ứng dụng cho trang web. Những nhà phát triển này tạo ra phần mềm để mọi người sử dụng trên Facebook để phát hiện ra các bài hát mới, chơi game hoặc chia sẻ slide show. Phó chủ tịch Chamath Palihapitiya, lần đầu tiên tiết lộ sáng kiến này, nói công ty có thể sẽ giúp những nhà phát triển tạo ra tiền từ quảng cáo hoặc thương mại điện tử, sau đó sẽ "ăn" một phần từ khoản doanh thu đó. "Trong mấy năm tới, tôi cược rằng chúng tôi sẽ tạo ra một mô hình doanh thu đầy sức mạnh", ông nói. Các nhà phát triển đã có mối quan hệ tốt với Facebook, dù vậy, bất kỳ khoản "chia chác" nào cũng có thể khiến mối quan hệ xấu đi.

Facebook tin tưởng vào Sandberg trong kế hoạch này. Cựu quản trị bán hàng của Google đóng vai trò chủ chốt trong việc đưa đại gia tìm kiếm trở thành một trong những công ty có lợi nhất thế giới. Adam Freed, từng làm việc tại Google Sandberg, nói Sandberg vừa yêu cầu cao vừa rất hỗ trợ mọi người.

Facebook và Sandberg đã hợp tác trên nhiều cách để tiến xa hơn quảng cáo trực tuyến truyền thống - gồm chữ (text) và những banner hiện trên hầu hết các website. Họ tin rằng chỉ bằng cách mang lại một cái gì thực sự khác biệt, như Google từng làm, Facebook mới có thể nổi bật giữa rất nhiều website trên Internet. Bằng chứng là hồi tháng 8, Facebook đã tung ra "engagement ad". Trái với hầu hết quảng cáo online là các banner với một khẩu hiệu hiện ra, "engagement ad" khuyến khích người dùng đáp lại bằng cách bình luận, chia sẻ món quà ảo hoặc trở thành fan của chính quảng cáo. Một số nỗ lực của họ đã phát huy tác dụng. Một "engagement ad" cho đoạn giới thiệu của bộ phim Tropic Thunder của Paramount Pictures, đã tạo ra hơn 30.000 bình luận từ người dùng Facebook.

Facebook đã thành công trong việc thu hút các nhà quảng cáo "ví tiền dày" - một lý do doanh thu của hãng sẽ tăng gấp đôi từ mức 150 triệu USD năm ngoái. Khách hàng của hãng bao gồm Blockbuster, Mazda, và Ben & Jerry's. Katie O'Brien, quản lý marketing số của nhà sản xuất kem Vermont, cho biết chiến dịch quảng cáo của họ tốt hơn hẳn, khi để người dùng Facebook tặng nhau những cây kem ảo. Đã có 150.000 cây kem được tặng. "Nó tạo ra sự nhận biết nhãn hiệu rất tốt", bà nói.

Tuy nhiên, O'Brien nói mạng xã hội vẫn chưa trở thành nơi quan trọng để quảng cáo. "Mạng xã hội thú vị", bà nói, nhưng nó sẽ "cần chứng tỏ những năm thành công nữa" để chứng minh sự cần thiết với quảng cáo. Và với Facebook, hãng đang trên một hành trình dài, tất cả còn ở phía trước. Đó là lý do để quyết tâm tiến lên, ngay cả khi những công ty khác chững lại vì kinh tế khó khăn, Sandberg nói.

Thứ Hai, 15/12/2008 08:16
31 👨 559
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp