Cảnh giác "sập bẫy" lừa đảo khi Steve Jobs qua đời

Mỗi khi xảy ra sự kiện thu hút sự quan tâm của dư luận, giới tội phạm số lại có cơ hội để mở rộng chiếc bẫy lừa đảo trên mạng với những mục đích bất chính.

Lần này, sự ra đi của “huyền thoại thung lũng Silicon” Steve Jobs chính là dịp để các tin tặc lợi dụng hoành hành.

Không có nhiều thay đổi trong phương thức lừa đảo của mình, tin tặc sẽ gửi nội dung tới mọi người kèm theo đường link hoặc nút bấm để dẫn hướng tới một địa chỉ độc hại hoặc lợi dụng nào đó.

Khi bấm vào đường link (hay nút) trên nội dung, hoặc là người dùng sẽ bị nhiễm phần mềm độc hại vào máy tính, hoặc là bị khai thác những thông tin nhạy cảm như tên đăng nhập/mật khẩu trên các dịch vụ trực tuyến, số thẻ tín dụng…, hoặc là rơi vào cuộc khảo sát (survey) nào đó mà giới tội phạm số làm trung gian để nhận tiền hoa hồng.

Loại đường link hay nút bấm độc hại kiểu đó có thể xuất hiện trên những nội dung rất phong phú, dựa vào sự kiện Steve Jobs qua đời, chẳng hạn như qua email, hay chia sẻ trên Facebook với các kiểu mời gọi theo kiểu “Xem video khoảnh khắc cuối đời của Steve Jobs,” “Nguyên nhân thực sự khiến Jobs ra đi…,” hay các đường link chia sẻ qua phần mềm chat Yahoo! Messenger…

Đặc biệt, nhiều trường hợp người dùng bị mất tài khoản vào tay tin tặc. Tin tặc sẽ tạo những nội dung độc hại mạo danh người dùng đó và gửi đi khiến những người nhận tưởng lầm và không ngần ngại bấm vào.

Vì vậy, bên cạnh việc cảnh giác với những nội dung từ nguồn không rõ ràng, người dùng Internet cần tỉnh táo theo dõi thông tin cập nhật từ các trang báo uy tín, cũng như tham khảo ý kiến của những người am hiểu công nghệ để không rơi vào bẫy của giới tin tặc.

Trước đó, những sự kiện như Amy Winehouse qua đời hay Apple ra mắt iPhone mới đều đã bị những kẻ xấu trên mạng Internet tận dụng để lừa đảo mọi người.

Ngoài ra, trước khi bấm vào một đường link bất kỳ, người dùng có thể sử dụng công cụ kiểm tra của hãng bảo mật Dr. Web để chắc chắn rằng đường link đó không tiềm ẩn nguy cơ độc hại.

Chỉ cần đơn giản truy cập vào địa chỉ http://vms.drweb.com/online/?lng=en và bấm Scan a link (URL), sau đó paste đường link cần kiểm tra vào khung, và bấm Send.

Sau quá trình quét link, Dr. Web sẽ cho kết quả, nếu ở cửa sổ bung ra có chữ "CLEAN" với màu xanh thì đường link đã quét là an toàn, còn nếu thấy chữ "INFECTED" và màu đỏ thì đường link đã quét có chứa mã độc, người dùng cần tránh truy cập.

Thứ Sáu, 07/10/2011 07:56
31 👨 390
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp