Bo mạch chủ MSI Big Bang Xpower

Quản trị mạng - MSI XPower Big Bang là một bo mạch chủ socket 1366 dựa trên nền tảng Intel X58 với sáu khe cắm PCI Express x16, cổng SATA-600, USB 3.0, mạch ổn áp với các thành phần cấp độ quân sự, các tùy chọn ép xung, v.v… Ngoài ra nó là một trong số ít những bo mạch chủ sử dụng tên với một vài ký tự và chữ số dễ nhớ thay thế cho cho số hiệu. Chúng ta hy vọng rằng MSI và các nhà sản xuất khác sẽ thực hiện điều này thường xuyên hơn.

Giống như các bo mạch chủ khác cao cấp của MSI, Big Bang XPower sử dụng giải pháp làm mát dựa trên một ống tản nhiệt (heatpipe) 8mm, theo MSI, đây là ống tản nhiệt dày nhất hiện nay được sử dụng trên bo mạch chủ (các bo mạch chủ thông thường sử dụng các ống tản nhiệt 5mm), tạo ra khả năng làm mát tốt hơn (theo nhà sản xuất khả năng làm mát được cải thiện đến 56%). Ống tản nhiệt này kết nối ba cánh tản nhiệt (heatsink), hai trong số chúng nằm trên các bóng bán dẫn của mạch ổn áp và một nằm trên đỉnh chip cầu bắc của chipset.

MSI Big Bang XPower motherboard
Hình 1: Bo mạch chủ MSI Big Bang XPower

Bo mạch chủ này đi kèm với hai đầu nối EPS12V để cấp điện nuôi CPU. Trong đó với một kết nối có thể cung cấp tới 20A (240 W) cho CPU của bạn. Nếu nghĩ rằng như thế vẫn chưa đủ, bạn có thể thêm kết nối thứ hai và tăng dòng CPU tối đa đến 40 A (480 W).

Các khe cắm

Điểm nổi bật của sản phẩm này tất nhiên là sự hiện diện của sáu khe cắm PCI Express x16. Big Bang XPower hỗ trợ cả chế độ SLI và CrossFireX, và nó đi kèm với ba cầu SLI (hai ngắn và một dài) nhưng chỉ có một cầu CrossFireX.

Cầu bắc của chipset Intel X58 cung cấp 36 đường PCI Express x1, trong khi cầu Nam (ICH10R) cung cấp thêm hơn 6 đường nữa.

Cách đánh số được sử dụng trên Big Bang khe XPower hơi rắc rối một chút, bạn nên chú ý điều này. Các khe cắm PCI Express x16 được đánh số từ PCI_E2 đến PCI_E7 tính từ khe gần nhất với khe PCI Express x1.

Khe thứ nhất (PCI_E2) và thứ tư (PCI_E5) làm việc ở tốc độ x16. Khe thứ ba (PCI_E4) và thứ năm (PCI_E6) làm việc ở tốc độ x8. Còn khe thứ hai (PCI_E3) và thứ sáu (PCI_E7) làm việc ở tốc độ x4.

Vì vậy, để đạt được hiệu quả tốt nhất khi sử dụng hai card video theo chế độ SLI hoặc CrossFireX bạn phải cài đặt card video của bạn vào khe thứ nhất (PCI_E2) và thứ tư (PCI_E5). Điều này hơi khó nhớ và bạn nên chú ý. Khi cài đặt ba card video, hãy cài đặt card thứ ba vào khe thứ ba (PCI_E4). Cấu hình khe cắm này được thực hiện để có thể cài đặt tối đa ba cặp card video dual-slot mà không phải khóa bất kỳ một khe nào để có hiệu suất cao hơn. Bạn sẽ chỉ có thể cài đặt nhiều hơn ba card video nếu ít nhất một trong ba card video đầu là một card single-slot, bởi vì nếu bạn cài đặt ba card dual-slot thì tất cả các khe cắm còn lại đều bị khóa.

Ngoài ra nếu quyết định cài đặt một card video dual-slot vào khe PCI Express x16 cuối cùng, bạn sẽ cần phải sử dụng một case có ít nhất tám khe cắm mở rộng (các case thông thường chỉ có 7 khe cắm mở rộng) và bạn sẽ không sử dụng được Genie OC và các nút khác nằm ở cạnh của bo mạch chủ gần khe cắm này cũng như các giắc USB gần đó.

MSI Big Bang XPower motherboard
Hình 2: Các khe cắm

Sẽ là thú vị nếu MSI sử dụng màu sắc khác nhau để phân biệt tốc độ của các khe cắm PCI Express x16. Tuy nhiên điều này sẽ phá vỡ sự hài hoà của sản phẩm.

Ngoài sáu khe cắm PCI Express x16, bo mạch chủ này còn có một khe cắm PCI Express x1, được sử dụng cho card âm thanh đi kèm với sản phẩm.

MSI Big Bang XPower có một đầu nối nguồn 6 chân cho card video (PEG) trên bo mạch chủ để cung cấp thêm dòng cho các card video được cài đặt trên hệ thống. Nhà sản xuất không cho biết khi nào đầu nối bổ sung này cần phải được cài đặt, nhưng tốt nhất bạn nên luôn luôn sử dụng nó cho các card video của bạn

Hỗ trợ bộ nhớ RAM

Các CPU Socket 1366, cũng như socket 1156 và các bộ vi xử lý AMD, có một bộ điều khiển RAM nhúng. Tất cả các CPU Intel khác sử dụng một bộ điều khiển RAM bên ngoài nằm trên chip cầu bắc (được biết đến như MCH hoặc Memory Controller Hub) của chipset. Điều này có nghĩa rằng với các CPU Intel khác, chipset ( cũng như bo mạch chủ) là thành phần cho biết các công nghệ và dung lượng bộ nhớ cực đại bạn có thể có trên PC là gì.

Do bộ điều khiển RAM nằm bên trong CPU, tức là nằm trong bộ vi xử lý chứ không phải trong chipset, điều này xác định công nghệ bộ nhớ và dung lượng tối đa của bộ nhớ. Tuy nhiên b o mạch chủ này có thể có một sự giới hạn về dung lượng bộ nhớ RAM có thể cài đặt.

Bộ điều khiển RAM được tích hợp trong Core i7 chỉ chấp nhận bộ nhớ RAM DDR3 (1,65 V; các bộ nhớ RAM yêu cầu điện áp cao hơn sẽ không làm việc và thậm chí có thể phá hỏng CPU) và hỗ trợ kiến trúc bộ nhớ kênh ba mới. Mặc dù các CPU Core i7 chỉ chính thức hỗ trợ tới DDR3-1066, nhưng MSI Big Bang XPower có thể hỗ trợ các bộ nhớ lên đến DDR3-2133 thông qua việc ép xung.

Kiến trúc ba kênh cho phép CPU truy cập vào ba thanh RAM cùng một lúc để lưu trữ hoặc lấy dữ liệu, tăng số bit được truyền tải trên mỗi chu kỳ đồng hồ từ 128 (trên kiến trúc kênh đôi) lên 192 bit. Điều này đã cải thiện đến 50% băng thông bộ nhớ tối đa trên lý thuyết so với kiến trúc kênh đôi, nếu cả cùng chạy với tốc độ đồng hồ giống nhau. Ví dụ, các bộ nhớ DDR3-1333 chạy trên kiến trúc kênh đôi có tốc độ truyền dẫn tối đa là 21 GB/s thì khi chạy trên kiến trúc kênh ba sẽ đạt được tốc độ truyền dẫn tối đa là 32 GB/s.

Một điểm nổi bật khác của Big Bang XPower là sự hiện diện của sáu khe cắm RAM thay vì chỉ có bốn như Intel DX58SO “Smackover”. Điều này cho phép thực hiện nâng cấp bộ nhớ RAM trong tương lai mà không cần phải gỡ bỏ các thanh RAM hiện tại đồng thời vẫn đạt được hiệu suất tối đa có thể.

Cũng cần phải nói rõ rằng, để đạt được hiệu suất tối đa bạn phải cài đặt ba hoặc sáu thanh RAM. Khi cài đặt ba thanh RAM bạn phải cài đặt chúng lên các khe cắm cùng màu (trên Big Bang XPower có ba khe cắm màu đen và ba khe cắm màu xanh). Nếu bạn cài đặt một số lượng thanh RAM là ba hoặc sáu thì hệ thống sẽ không đạt được hiệu suất tối đa có thể của nó.
Với bo mạch chủ chỉ có bốn khe cắm RAM, bạn có thể gặp một vấn đề là: nếu thêm một thanh RAM thứ tư thì thanh RAM này sẽ được truy cập với hiệu suất kênh đơn (chỉ bằng 1/3 tốc độ truyền dẫn cực đại), vì vậy để tăng cường dung lượng bộ nhớ RAM trong khi vẫn giữ được hiệu suất tối đa bạn cần phải loại bỏ ba thanh RAM cũ và cài đặt một thanh RAM mới. Việc nâng cấp này đắt hơn so với việc sử dụng một bo mạch chủ với sáu khe cắm RAM, nơi bạn có thể chỉ cần thêm vào ba thanh RAM mới và giữ nguyên lại ba thanh cũ đã cài đặt trước đó.

Theo MSI bạn có thể có nâng cấp bộ nhớ lên đến 24 GB với bo mạch chủ này.

MSI Big Bang XPower motherboard
Hình 3: Các modul nhớ. Cài đặt 3 hoặc 6 modul để có hiệu suất tốt nhất

Các cổng ngoại vi On-board

Chipset Intel X58 là giải pháp hai-chip và nhà sản xuất bo mạch chủ có thể chọn giữa chip cầu nam ICH10 và ICH10R, sự khác biệt duy nhất của chúng là sự hỗ trợ đối với RAID 0, 1, 5 và 10 sau này (đó là mô hình được sử dụng trên bo mạch chủ này). Các tính năng cơ bản được cung cấp bởi chipset này bao gồm sáu cổng SATA-300, không hỗ trợ các cổng ATA song song (PATA), 12 cổng USB 2.0 và Gigabit Ethernet MAC (Medium Access Control).

Big Bang XPower cung cấp tất cả sáu cổng SATA-300 hỗ trợ Intel Matrix Storage (tức là RAID 0, 1, 5 và 10). Những cổng này có màu đen. Hai cổng SATA-600 (màu trắng) có sẵn, được điều khiển bởi một chip Marvell 88SE9128. Hai cổng này hỗ trợ RAID 0 và 1. Và hai cổng eSATA-300 có sẵn trên panel phía sau được điều khiển bởi chip JMicron JMB362 (một trong số chúng được chia sẻ với một cổng USB 2.0).

Các cổng SATA được cài đặt trên cạnh của bo mạch chủ và được xoay đi 900, vì vậy các card video sẽ không ảnh hưởng đến chúng.

Bo mạch chủ này cũng có một khung I/O với hai cổng eSATA, cho phép bạn chuyển đổi hai cổng SATA trong thành các cổng eSATA.

MSI Big Bang XPower motherboard
Hình 4: Các cổng SATA bên trong

Không có cả ATA-133 lẫn bộ điều khiển đĩa mềm.

Từ 12 cổng USB 2.0 được hỗ trợ bởi chipset, MSI Big Bang XPower cung cấp 10 trong số đó, sáu cổng được hàn trên panel phía sau và 4 cổng có sẵn thông qua hai giắc cắm trên bo mạch chủ. Bo mạch chủ này cũng đi kèm với một khung I/O chứa hai cổng USB.

Một trong những điểm nổi bật của bo mạch chủ này là sự hiện diện của hai cổng USB 3.0 được điều khiển bởi một chip NEC μPD720200. Hai cổng này nằm trên panel phía sau và có màu xanh (cổng USB 2.0 màu đen).

Ngoài ra MSI Big Bang XPower còn có một bộ điều khiển (VIA VT6315N) Firewire (IEEE 1394) cung cấp hai cổng Firewire, một cổng kích thước tiêu chuẩn được hàn cố định trên panel phía sau và một cổng có sẵn qua một giắc cắm trên bô mạch chủ. Bo mạch chủ này không có khung I/O để bạn sử dụng cổng Firewire thứ hai.

Âm thanh được tạo ra bởi một card audio PCI Express x1, dựa trên bộ giải mã Realtek ALC889, cung cấp âm thanh chất lượng chuyên nghiệp cho bo mạch chủ này, với tám kênh, độ phân giải 24-bit, tần số lấy mẫu lên tới 192 KHz cho cả đầu vào và đầu ra, tỷ số tín hiệu trên tạp âm là 104 dB cho các đầu vào tương tự và 108 dB cho đầu ra tương tự. Với một tỷ số tín trên tạp lớn như vậy cho phép bạn có thể thực hiện các công việc chuyển đổi, hòa âm và biên tập âm thanh một cách chuyên nghiệp từ các nguồn tương tự (ví dụ như chuyển đổi băng các băng VHS và đĩa nhựa sang định dạng số) mà không có tiếng ồn nền (nhiễu trắng).

Card âm thanh này sử dụng các giắc cắm mạ vàng và có cả các đầu ra SPDIF cáp quang và cáp đồng trục. Nó cũng có một đầu ra SPDIF hai chân nhỏ trong trường hợp bạn muốn định tuyến âm thanh số đến một trong những card video để có được âm thanh kỹ thuật số trên đầu ra HDMI. Hơn nữa, nó cung cấp các đầu ra analog độc lập, điều này có nghĩa là bạn không phải "stop" các giắc “mic in” hoặc “line in” nếu cài đặt một bộ loa analog 7.1.

MSI Big Bang XPower motherboard
Hình 5: Card âm thanh

Các card âm thanh này chỉ sử dụng các tụ điện rắn.

MSI Big Bang XPower motherboard
Hình 6: Card âm thanh

MSI Big Bang XPower có hai cổng Gigabit Ethernet, được điều khiển bởi hai chip Realtek RTL8111DL, được kết nối với hệ thống qua các đường PCI Express x1 và vì vậy không có khả năng xảy ra bất kỳ vấn đề nào về chất lượng.

Trong hình 7, bạn có thể thấy trên panel phía sau của bo mạch chủ: các giắc cắm PS/2 dành cho chuột và bàn phím, công tắc xóa CMOS, giắc cắm cho panel ép xung (bảng điều khiển OC), cổng FireWire, sáu cổng USB 2.0, hai cổng eSATA-300 (một cổng màu đen được dùng chung với một cổng USB 2.0), hai cổng Gigabit Ethernet và hai cổng USB 3.0 (màu xanh).

MSI Big Bang XPower motherboard
Hình 7: Mặt sau của bo mạch chủ

Một tính năng khác trên Big Bang XPower là hiển thị các chuẩn đoán POST, ở đó bạn có thể biết được thành phần hỏng hóc thông qua một mã 2 chữ số khi máy tính không khởi động được. Tính năng này chỉ hoạt động nếu panel ép xung (OC Dashboard) được cài đặt.

MSI Big Bang XPower motherboard
Hình 8: Hiển thị các chuẩn đoán POST

Giống như các bo mạch chủ khác của MSI, sản phẩm này đi kèm với một hệ điều hành được lưu trữ bên trong bộ nhớ ROM trên bo mạch chủ cho phép bạn truy cập vào Internet mà không cần phải cài đặt hệ điều hành hoặc thậm chí kể cả khi không có ổ đĩa cứng. Tính năng này, được gọi là Winki, giống với tính năng Express Gate trên các bo mạch chủ của ASUS và tính năng eJiffy trên bo mạch chủ của ECS.

Bo mạch này cũng có các tính năng phần cứng liên quan đến việc "ép xung" mà chúng ta sẽ tìm hiểu sau.

Trên Hình 9 bạn có thể thấy tất cả các phụ kiện đi kèm với MSI XPower Big Bang. Trong đĩa CD cài đặt có phiên bản dùng thử 60 ngày của Norton Internet Security 2010.

MSI Big Bang XPower motherboard
Hình 9: Phụ kiện

Ổn áp

MSI Big Bang XPower có mạch ổn áp cao cấp nhất hiện nay. Mạch này có tổng cộng 16 pha cho điện áp CPU chính (Vcc hay còn được gọi là Vcore), hai pha cho điện áp CPU VTT (bộ điều khiển bộ nhớ, bộ điều khiển bus QPI và bộ nhớ cache L3), hai pha cho chip cầu bắc (IOH) và hai pha cho bộ nhớ RAM. Do đó nó sử dụng một cấu hình "16 +2".

Việc so sánh chỉ dựa trên số lượng pha là không công bằng. Mỗi pha của bo mạch chủ này thực hiện chuyển mạch ở một tần số cao hơn (1 GHz thay vì 400 MHz) và có sự mất mát do chuyển mạch thấp hơn, dẫn đến một hiệu quả cao hơn (trên 93%) và nhiệt độ hoạt động thấp hơn. Điều này đạt được bởi việc sử dụng một mạch tích hợp (FDMF6704V) được gọi là DrMOS thay cho các bóng bán dẫn rời rạc. Theo MSI, mỗi pha DrMOS tương đương với bốn pha thông thường, do đó, cấu hình "16 +2" được sử dụng bởi bo mạch chủ này có thể so sánh với cấu hình "64 + 8" sử dụng kiến trúc điều chỉnh điện áp tiêu chuẩn được sử dụng trong các sản phẩm cạnh tranh!

Nhưng như thế vẫn chưa đủ, MSI đã quyết định sử dụng các thành phần chất lượng cấp độ quân sự trên mạch ổn áp. Các thành phần điện tử được đánh giá chất lượng cấp độ quân sự có một phạm vi nhiệt độ hoạt động cao hơn, tiêu chuẩn kỹ thuật cao hơn và tuổi thọ cao hơn. Tất cả các tụ điện được sử dụng trên mạch ổn áp là SMD (thiết bị dán bề mặt), còn được gọi là cao dẫn polyme hoặc đơn giản là Hi-c, và các cuộn cảm lõi ferit rắn được MSI giới thiệu là "các cuộn cảm băng giá" hay "các cuộn cảm siêu ferit" . Theo MSI các cuộn cảm này làm việc mát hơn đến 200C so với các cuộn cảm truyền thống.

Các tụ điện được sử dụng bên ngoài mạch ổn áp là tụ rắn.

MSI Big Bang XPower motherboard

Hình 10: Mạch ổn áp với heatsink

MSI Big Bang XPower motherboard
Hình 11: Cấu hình chi tiết của tụ SMD, cuộn cảm và mạch tích phân pha

Với việc có được một mạch ổn áp cao cấp, Big Bang XPower khi cần có thể vô hiệu hóa các pha của mạch ổn áp nhằm mục đích tiết kiệm năng lượng, tính năng này được gọi là APS (Active Phase Switching). Một nhóm các đèn LED gần các khe cắm RAM cho biết có bao nhiêu pha Vcc đang hoạt động ở thời điểm hiện tại. Bo mạch chủ này cũng dùng các đèn LED để theo dõi số lượng các pha được sử dụng trên mạch ổn áp chipset, trên bộ ổn áp VTT (được nhà sản xuất gọi là QPI nhưng pha này cũng cung cấp nguồn cho bộ điều khiển RAM và bộ nhớ cache L3) và trên bộ ổn áp RAM.

MSI Big Bang XPower motherboard
Hình 12: Các LED chỉ thị số pha Vcc được sử dụng

Các tùy chọn ép xung

MSI Big Bang XPower rõ ràng là nhắm vào mục tiêu ép xung, cung cấp nhiều tính năng liên quan đến việc ép xung.

Giống như các bo mạch chủ khác của MSI, nó có một chức năng được gọi là "OC Genie". Khi nút này được nhấn, bo mạch chủ tự động ép xung hệ thống (nó phải được ấn khi máy tính đã tắt). Các chức năng ép xung tự động trước đó của MSI và các nhà sản xuất khác thực hiện việc tăng tấn số đồng hồ cơ sở đến các giá trị định sẵn; còn OC Genie dựa trên một chip mà việc ép xung hệ thống thay đổi dựa trên cấu hình phần cứng của bạn. Bạn cũng có thể tự tăng hoặc giảm xung nhịp CPU với bước nhảy 1 MHz bằng cách nhấn nút "+" và "-" nút nằm trên bo mạch.
Trong hình 13 bạn có thể thấy tất cả các nút có sẵn trên bo mạch chủ này: OC Genie, các nút "+" và "-", nút Reset và nút nguồn.

MSI Big Bang XPower motherboard
Hình 13: Các nút bấm

MSI Big Bang XPower ấn tượng với các điểm giám sát điện áp, nơi mà bộ ép xung có thể cài đặt đồng hồ vạn năng để giám sát điện áp của CPU (Vcc – nhãn "CPU", VTT - nhãn "QPI"), RAM (nhãn "DDR") và chipset (cầu bắc - nhãn "IOH", cầu nam - nhãn "ICH"). Bo mạch chủ này cũng có các đầu dây thuận lợi cho việc lắp đặt đồng hồ vạn năng của bạn đến những điểm này.

Bo mạch chủ này cũng có các chuyển mạch quá áp để ngăn chặn bạn tăng điện áp cao hơn mức nguy hiểm có thể làm cháy các thành phần.

Các điểm giám sát điện áp và các chuyển mạch quá áp được thể hiện trong hình 8.

XPower đi kèm với một panel ép xung được gọi là OC Dashboard. Bảng điều khiển này được kết nối với bo mạch chủ bằng việc sử dụng sử dụng hai dây cáp: một kết nối chuyên dụng và một kết nối USB. Bên cạnh việc kiểm soát điện áp và xung nhịp đồng hồ, bảng điều khiển này cũng có thể theo dõi nhiệt độ CPU và tốc độ quạt.

MSI Big Bang XPower motherboard
Hình 14: Bảng điều khiển ép xung

Hãy xem các tùy chọn ép xung thiết lập sẵn trên MSI Big Bang XPower.
Các tùy chọn ép xung chúng ta sẽ nhìn thấy trên Big Bang XPower (2.2 BIOS) là:

  • Tần số đồng hồ CPU cơ sở: có thể điều chỉnh được từ 100 MHz đến 600 MHz vớii bước nhảy 1 MHz.
  • Đồng hồ PCI Express: có thể điều chỉnh được từ 100 MHz đến 990 MHz với bước nhảy 1 MHz.
  • Điều khiểu biên độ điện áp CPU: từ 700 mV đến 1 V với bước nhảy 100 mV.
  • Điều khiển biên độ điện áp PCI Express: từ 700 mV đến 1 V với bước nhảy 100 mV.
  • Điện áp CPU: từ 0.900 V đến 1.69375 V (khi chuyển mạch quá áp CPU tắt) hoặc đến 2.30375 V (khi chuyển mạch quá áp CPU mở) với bước nhảy 0.006 V.
  • Điện áp CPU VTT (“điện áp CPU QPI”): từ 0.880 V đến 1.600 V (khi chuyển mạch quá áp QPI tắt) hoặc đến 1.830 V (khi chuyển mạch quá áp QPI mở) với bước nhảy 0.01 V.
  • Điện áp CPU PLL: từ 1.050 V đến 2.600 V với bước nhảy 0.010 V.
  • Điện áp RAM: từ 1.20 V đến 2.20 V (khi chuyển mạch quá áp DRAM tắt) hoặc đến 2.50 V (khi chuyển mạch quá áp DRAM mở) với bước nhảy 0.01 V.
  • Điện áp cầu bắc (IOH): từ 0.800 V đến 1.500 V (khi chuyển mạch quá áp IOH tắt ) hoặc đến 1.700 V (khi chuyển mạch quá áp IOH mở) với bước nhảy 0.01 V.
  • Điện áp cầu nam (ICH): từ 1.100 V đến 2.000 V với bước nhảy 0.01 V.
  • Điện áp các đường PCI Express cầu bắc: từ 1.108 V đến 1.998 V với bước nhảy 0.01 V.
  • Điện áp tham chiếu dữ liệu bộ nhớ RAM: từ 0.511 V đến 1.053 V với bước nhảy 0.19 V (đối với mỗi thanh RAM).

Một lời khuyên: MSI gọi điện áp CPU VTT được dùng để nuôi bộ điều khiển bus QPI, bộ điều khiển RAM và bộ nhớ cache L3 bên trong CPU là “điện áp QPI”. Chúng tôi luôn tự hỏi tại sao các nhà sản xuất bo mạch chủ không thể đơn giản sử dụng các tên chính thức để tránh hiểu lầm.

MSI Big Bang XPower motherboard
Hình 15: Thực đơn cho việc ép xung

MSI Big Bang XPower motherboard

Hình 16: Thực đơn cho việc ép xung (tiếp)

MSI Big Bang XPower motherboard

Hình 17: Thực đơn cho việc ép xung (tiếp)

Tóm tắt các tính năng chính

Các tính năng chính của bo mạch chủ MSI Big Bang XPower là:

  • Socket: 1366.
  • Chipset: Intel X58 Express + ICH10R.
  • Super I / O: Fintek F71889
  • Parallel ATA: Không có.
  • Serial ATA: Sáu cổng SATA-300 (màu đen) hỗ trợ RAID 0, 1, 5 và 10 và hai cổng SATA-600 (màu trắng) hỗ trợ RAID 0 và 1 được điều khiển bởi một chip Marvell 88SE9128.
  • Extenal SATA: Hai cổng eSATA-300 được điều khiển bởi chip JMicron JMB362, một trong số chúng (màu đen) được chia sẻ với một cổng USB 2.0. Bo mạch chủ đi kèm với một khung I/O có chứa hai cổng eSATA, vì vậy bạn có thể chuyển đổi các cổng SATA thành eSATA.
  • USB: 10 cổng USB 2.0, sáu hàn trên panel phía sau của bo mạch chủ và bốn cổng còn lại có sẵn thông qua hai giắc cắm trên bo mạch chủ. Bo mạch chủ đi kèm với một khung I/O có chứa hai cổng USB. Hai cổng USB 3.0 (màu xanh) được điều khiển bởi chip NEC μPD720200.
  • FireWire (IEEE 1394): Hai cổng được điều khiển bởi một chip VIA VT6315N, một cổng cso kích thước tiêu chuẩn được hàn trên panel phía sau và một có sẵn thông qua một giắc cắm trên bo mạch chủ. Bo mạch chủ này không có khung I/O để sử dụng cổng FireWire thứ hai này.
  • Card âm thanh On-board: được tạo ra bởi chipset cùng với bộ mã hóa và giải mã Realtek ALC889 (tám kênh, độ phân giải 24-bit, tấn số lấy mẫu lên đến 192 KHz cho cả đầu vào và đầu ra, tỷ số tín trên tạp là 104 dB cho các đầu vào và 108 dB các đầu ra). Các đầu ra SPDIF cáp đồng trục và cáp quang. Phần âm thanh có sẵn trên một card PCI Express x1 đi kèm với sản phẩm.
  • LAN On-board: Hai cổng Gigabit Ethernet được điều khiển bởi hai chip Realtek RTL8111DL, mỗi cổng được kết nối với hệ thống thông qua một đường PCI Express x1.
  • Buzzer: số.
  • Nguồn: 2 nguồn EPS12V
  • Slots: sáu khe cắm PCI Express 2.0 x16 (hai khe x16, hai khe x8 và hai khe x4) và một khe cắm PCI Express x1.
  • RAM: Bốn khe RAM DDR3-DIMM (dung lượng lên đến 24 GB DDR3-2133 thông qua ép xung).
  • Các đầu nối quạt: Một đầu nối bốn chân (điều khiển độ rộng xung PWM) cho quạt CPU và ba đầu nối ba chân cho các quạt phụ kiện.
  • Số lượng các ổ đĩa CD/DVD đi kèm với bo mạch chủ này: Một
  • Phần mềm đi kèm với bo mạch chủ này: Norton Internet Security 2010 (phiên bản dùng thử 60), các driver cho bo mạch chủ và các tiện ích
  • Các tính năng mở rộng: công tắc xóa CMOS, Winki, mạch ổn áp DrMOS với các thành phần chất lượng cấp độ quân sự, APS (Active Phase Switching), đèn LED để theo dõi các pha của mạch ổn áp, OC Genie với các nút "+" và "-", panel ép xung (bảng điều khiển OC), chuyển mạch bảo vệ quá áp, hiển thị các chuẩn đoán POST và các đầu dò cho việc giám sát điện áp CPU, bộ nhớ và chipset với một đồng hồ vạn năng.
  • Thông tin chi tiết: http://us.msi.com
  • Giá MSRP ở Mỹ: $ 300.

Kết luận

Nếu bạn đang tìm kiếm bo mạch chủ socket 1366 tốt nhất trên thị trường cho bộ vi xử lý Core i7 thì MSI Big Bang XPower chắc chắn là lựa chọn tốt. Ngoài việc có rất nhiều tính năng, các thành phần cấp độ quân sự sẽ làm cho bạn yên tậm khi biết rằng máy tính của bạn sẽ cung cấp một hiệu suất cao hơn, tiêu thụ điện năng thấp hơn, tạo ra ít nhiệt hơn và có tuổi thọ cao hơn.

Sáu khe cắm PCI Express x16 sẽ cho phép bạn không chỉ xây dựng một cấu hình SLI hay CrossFireX mà còn cho phép bạn cài đặt nhiều màn hình video. Ví dụ, nếu bạn cài đặt sáu card video, bạn sẽ có thể cài đặt lên đến 12 màn hình video cho máy tính của bạn - thậm chí số màn hình có thể tăng hơn nữa nếu bạn sử dụng một hoặc nhiều card video ATI mới có hỗ trợ ba hoặc thậm chí sáu màn hình video.

Bo mạch chủ này sẽ được tung ra thị trường Mỹ trong vòng hai tuần tới với một mức giá $ 300 (các cửa hàng trực tuyến có thể bán rẻ hơn một chút). Nhược điểm duy nhất có lẽ chính là mức giá của nó, nhưng sau khi tính toán đối với tất cả các tính năng mà bo mạch chủ này cung cấp thì đây lại là một mức giá vô cùng hấp dẫn đối với những khách hàng mà nó nhắm đến ( những người đam mê sức mạnh).

Thứ Ba, 15/06/2010 08:36
31 👨 1.380
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp