26 ngày quan trọng trong lịch sử điện toán

Con đường ngành điện toán trở nên hiện đại như ngày nay không đơn giản. Nó bao gồm nhiều cột mốc đánh dấu nhiều giai đoạn phát triển khác nhau. Sau đây là tổng kết 26 thời điểm có ảnh hưởng nhất, ghi dấu ấn không thể quên trong lịch sử ngành điện toán.

1. Ngày 23-12-1834: Charles Babbage giới thiệu máy phân tích

Babbage (người Anh) bắt đầu làm việc trong lĩnh vực máy móc vào năm 1821, anh tin rằng sẽ có một cỗ máy có thể thực hiện các phép toán nhanh hơn, chính xác hơn con người. Vào năm 1834, chiếc máy tính toán của anh ra đời, tuy chưa hoàn thiện nhưng là một sự kiện có ý nghĩa lớn. Lần đầu tiên một máy phân tích có thể được lập trình với một lượng lớn các phép toán.

Thiết kế ban đầu thô sơ, nhưng bao gồm hầu hết các tính năng của một máy tính số điện tử hiện đại sau này. Chiếc máy này được lập trình bằng cách sử dụng các phiếu đục lỗ (punched cards). Nó lưu trữ các số, các kết quả tức thì và có một “mill” riêng biệt, nơi xử lý các thuật toán. Sự riêng biệt của lưu trữ (bộ nhớ) và “mill” (bộ xử lý) là nền tảng cho các máy tính hiện đại.

2. Ngày 22-10-1925: thiết bị bán dẫn (transistor) được cấp bằng sáng chế

Mặc dù Julius Edgar Lilienfeld không bao giờ đưa thiết kế của ông vào thực tế, nhưng thiết bị ông sáng tạo được cấp bằng sáng chế năm 1925 đã được phát triển, hoàn thiện và sản xuất hàng loạt như ngày nay. Sự phát triển rất chậm vì vào những năm 1950 transistor mới bắt đầu thay thế ống chân không (vacuum tube) trong các máy tính, cho phép các thiết bị nhỏ và chính xác hơn

3. Ngày 1-1-1939: Hewlett-Packard được thành lập, sự ra đời của thung lũng Silicon (Mỹ)

Bill Hewlett và Dave Packard, những người bạn ở Đại học Stanford (Mỹ), quyết định làm việc với nhau cuối năm 1930. Trong năm 1938 họ bắt đầu sản xuất các máy tạo dao độngđể kiểm tra các thiết bị âm thanh, tại một kho chứa nhỏ sau nhà số 367 Addison Avenue, Palo Alto. Đây cũng là khởi đầu cho sự ra đời thung lũng Silicon.

Máy tạo dao động thành công, lãnh đạo Hewlett và Packard chính thức làm việc với đối tác. Công ty phát triển nhanh, giới thiệu nhiều sản phẩm mới và có phong cách quản lý cởi mở. HP ngày nay là một trong những nhà sản xuất máy tính lớn nhất.

4. Ngày 25-11-1943: Colossus ra đời

Máy Colossus là một thiết bị tính toán điện tử được chế tạo và sử dụng bởi những nhà giải mã người Anh để đọc các bức thông điệp đã mã hóa của Đức Quốc xã trong Thế chiến lần hai. Đây là thiết bị tính toán, điện tử hóa, số hóa và có thể lập trình đầu tiên trên thế giới. Sử dụng các ống chân không (vacuum tube) để thực hiện các tính toán.

Colossus được thiết kế bởi kỹ sư Tommy Flowers với sự hỗ trợ của Allen Coobs, Sid Broadhurst và Bill Chandler ở bộ phận nghiên cứu Bưu điện (Anh). Mẫu máy Colossus Mark 1 giới thiệu vào tháng 12-1943. Sau đó cải thiện thành Colossus Mark 2 hoạt động vào tháng 7-1944.

Việc ra đời Colussus báo hiệu kỷ nguyên của sự tham gia máy tính vào chiến tranh.

5. Ngày 14-2-1946: ENIAC khánh thành

ENIAC, viết tắt của Electronic Numerical Integrator and Computer, được sáng tạo sau Thế chiến thứ hai bởi quân đội Mỹ. Máy tính có kích cỡ một căn phòng, được xây dựng từ 18.000 ống chân không (trong khi Colossus chỉ là 1.500) nên mạnh mẽ hơn và mềm dẻo hơn.

ENIAC có thể thực hiện 5.000 phép tính trong một giây, nhanh gấp 1.000 lần bất kỳ máy tính nào tại thời điểm đó. ENIAC ngừng hoạt động vào năm 1955.

6. Tháng 12-1954: mẫu máy tính để bàn của Casio

Kiểu máy 14-A được mô tả như một bộ óc nhỏ gọn với một 1m bề rộng và nặng 140kg. Chiếc máy này thực hiện một cuộc cách mạng về việc có thể tính toán mọi thứ bằng thiết bị điện tử. Các công ty sau này ra đời nhiều loại máy nhỏ gọn hơn, tính năng tốt hơn, rẻ hơn. 15 năm sau đây vẫn là một món hàng hấp dẫn người dùng.

7. Ngày 4-9-1956: sự ra đời của IBM 305 RAMAC

305 RAMAC, thiết bị ổ cứng đầu tiên ra đời. Từ đây máy tính có thể lưu trữ dữ liệu số hóa. Ban đầu nó lưu trữ một lượng thông tin rất nhỏ thấp hơn 5MB. Thậm chí một USB bây giờ dung lượng lưu trữ gấp hàng trăm lần cỗ máy này.

8. Ngày 29-10-1969: bình minh của kỷ nguyên Internet

Năm 1969, các nhà nghiên cứu bộ phận nghiên cứu thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ đã sử dụng các đường dây điện thoại để kết nối hai máy tính với nhau, một ở Los Angeles và một ở Đại học Stanford gần San Francisco. Đây là thí nghiệm đầu tiên cho ra đời mạng ARPANET và sau đó là Internet.

9. Tháng 11 và 12-1971: email đầu tiên được gởi

Thông điệp đầu tiên được gửi giữa hai máy tính xuất hiện và gửi đi bởi Ray Tomlinson, một lập trình máy tính người Mỹ cuối năm 1971. Anh không nhớ chính xác ngày và chi tiết thông điệp gửi đi cũng bị mất. Anh không phát minh ra ký hiệu @ mặc dù là người đầu tiên gởi email.

10. Ngày 16-4-1977: Apple II báo trước kỷ nguyên của máy tính gia đình

Steve Jobs và Steve Wozniak sản xuất những máy tính Apple đầu tiên. Apple I được sản xuất bằng tay và chỉ bán với số lượng ít. Nhưng Apple II đã đến gần hơn với tiên đoán máy tính không chỉ tạo ra bởi con người, mà có thể là một người bạn của con người, Máy tính là một phần công nghệ làm phong phú đời sống cá nhân.

Ban đầu máy Apple I và II có các ứng dụng bảng tính nhỏ, có thể dùng trong trường học kinh doanh và gia đình. Mẫu máy này được nâng cấp vào những năm 1980 và con số bán lên tới 5 triệu máy.

11. Ngày 22-5-1980: ra đời Pac-Man

Thế giới game nổi tiếng bắt đầu từ Puck Man. Phần mềm Game này được tạo bởi Công ty Game Namco Bandai của Nhật Bản. Sau đó đổi tên thành Pac-Man. Rất nổi tiếng ở Mỹ, chạy được ở bất kỳ nền tảng máy tính nào có hỗ trợ. Game này lôi cuốn rất nhiều người hơn các bản game trước đó.

12. Ngày 3-4-1981: máy tính xách tay đầu tiên ra đời

Ban đầu trông nó giống một cặp xách hơn là một máy tính xách tay hiện đại, nặng 10kg và có màn hình 5 inch. Nhưng thật sự là một máy tính có thể di chuyển đầu tiên được ra đời. Thiết bị này chứng minh máy tính không chỉ để ở nhà trường học, văn phòng mà có thể mang đến bất kỳ đâu. Một bước đầu tiên hướng đến điện toán khắp nơi.

13. Ngày 12-8-1981: IBM ra mắt “PC”

IBM bước vào thị trường máy tính gia đình không có công nghệ tiên tiến, nhưng sản phẩm của họ trở thành hình mẫu cho máy tính sớm nhất. Sở dĩ vậy là vì máy tính IBM không quá đóng mà mở để đáp ứng tiềm năng tương lai như các bộ phận có thể tháo rời và được nâng cấp. Vì mở nên cho phép những nhà sản xuất các thiết bị với giá rẻ cạnh tranh.

Lần đầu tiên IBM kết hợp với các công ty công nghệ khác sản xuất máy tính của mình, như bộ xử lý đến từ Intel, hệ điều hành từ hãng nhỏ Microsoft. Hai năm sau, hệ điều hành này chiến thắng và thành chuẩn cho máy thế hệ 16 bit của IBM.

14. Ngày 3-3-1981: máy Microcomputer BBC

Ít được biết bên ngoài nước Anh, Microcomputer BBC mang đến trẻ em người Anh khoảng 8 tuổi biết hương vị máy tính. BBC Micro được sản xuất bởi Acorn. Rẻ tiền, mạnh mẽ và tiến tiến, nó trở thành thiết bị dạy học. BBC Micro bán được 1.5 triệu máy.

15. Ngày 24-1-1984: Apple Mac phổ biến giao diện người dùng đồ họa (graphical user interface - GUI)

Apple không phát minh giao diện đồ họa mà là Xerox, nhưng Macintosh của Apple mang đến cho người dùng cách đơn giản nhất để làm việc với máy tính. Mac ra đời kèm theo con chuột (mouse), có thể điều khiển máy tính thông qua các biểu tượng (icons) và thực đơn (menu) dễ dàng hơn là làm việc với những dòng lệnh (command lines).

16. Ngày 13-11-1990: Tim Berners-Lee viết trang web đầu tiên

Dựa vào chi tiết thiết kế đã đề xuất cho world wide web trước đó, Tim Berners-Lee không tốn nhiều thời gian để tạo một trang web. Web hiện nay được sử dụng như một thuật ngữ thay thế Internet. Người ta có thể lưu trữ thông tin trên hệ thống internet và chuyển tải đến cho người dùng bằng các trang web.

17. Ngày 14-3-1993: hệ điều hành Mosaic khai phá web

Mosaic hỗ trợ việc đọc các trang web. Mosaic giới thiệu mô hình bookmark (đánh dấu các trang web) và history (lịch sử truy cập) mà ngày nay chúng ta thường dùng. Ngoài ra, một đặc tính quan trọng của Mac là “tag” image (thẻ hình ảnh), cho phép hình ảnh (image) và đoạn văn bản (text) xuất hiện trên trang web cùng thời điểm. Mosaic thành công với Netscapte Navigator (trình duyệt web), trước khi bị đánh bại bởi Internet Explorer của Microsoft.

18. Ngày 16-3-1995: Wiki đầu tiên được giới thiệu

Dựa vào nền tảng web, người ta xây dựng các hệ thống thông tin mở. Sự việc bắt đầu vào năm 1995 khi Ward Cunningham (người Mỹ) thiết lập một cơ sở dữ liệu có thể thay đổi và tạo bởi bất kỳ người nào. Người ta có thể tìm kiếm thông tin nhiều lĩnh vực từ thư viện mở này. Ngày nay nó phát triển thành Wikipedia với nhiều bài viết trên nhiều lĩnh vực khác nhau.

19. Ngày 4-7-1996: hòm thư Hotmail ra mắt

Đây là hệ thống webmail trên Internet, rất hữu dụng cho người dùng không thuộc thế giới công nghệ. Hệ thống này là cửa mở cho người dùng ra thế giới Internet một cách đơn giản cho phép người ta gửi và nhận email thông qua Internet. Hotmail mở ra một cuộc cách mạng là người ta sử dụng email nhiều hơn cho công việc, cho các mối quan hệ.

20. Ngày 11-5-1997: máy tính thắng người trong cờ vua

Garry Kasparov, vua cờ người Nga, đã thắng siêu máy tính Deep Blue trước đó, nhưng bị đại bại dưới tay Deep Blue đời sau. Đây là ví dụ thấy khả năng tính toán tuyệt vời của máy tính.

21. Ngày 18-11-1997: chuẩn Wi-Fi ra mắt

IEEE 802.11 quy định chuẩn mạng không dây đã mở ra cuộc cách mạng mới cho mạng Internet. Người ta có thể ở bất cứ đâu kết nối được Internet miễn là có thiết bị phù hợp. Ngày nay công nghệ kết nối không dây vẫn tiếp tục được hoàn thiện.

22. Ngày 7-9-1998: Google được sáng lập

Larry Page và Sergey Brin sáng lập Google, cỗ máy hiện thực ý tưởng tìm kiếm của họ sau khi có một lượng người dùng khá lớn. Vài năm sau, Google trở thành cánh cửa thâm nhập thế giới web cho hàng triệu người dùng trên thế giới tìm kiếm thông tin. Google còn ra mắt nhiều dịch vụ khác như Google Earth, Google Maps và Google Books đáp ứng nhu cầu tìm kiếm của người dùng. Ngày nay Google dẫn đầu trong lĩnh vực tìm kiếm với thị phần vượt trội so với các đối thủ khác.

23. Ngày 1-6-1999: Shawn Fanning ra mắt Napster

Điện toán và Internet có một ảnh hưởng sâu rộng đến hầu hết lĩnh vực kinh doanh, nhưng chỉ có ít tác động hơn với ngành công nghiệp âm nhạc ghi âm. Cuộc cách mạng số đã xảy ra với Shawn Fanning khi anh gửi cho 30 người bạn một chương trình cho phép họ có thể chia sẻ, trao đổi âm nhạc trực tuyến. Một năm sau, hơn 25 triệu người đã tải Napster nhưng một năm sau đó Napter bị sa lầy vào luật pháp vì các hãng ghi âm muốn họ dừng lại do vấn đề bản quyền. Nhưng việc chia sẻ nhạc, chia sẻ file ngang hàng vẫn còn tồn tại mạnh mẽ.

24. Ngày 1-1-2000: thế giới vẫn tiếp tục

Người ta lo lắng về sự cố Y2K (lỗi do người lập trình trước đây chỉ dùng hai con số cuối cùng để lưu trữ năm, mà không lường trước được là sau năm 2000 thì năm sẽ quay lại 00 nên máy tính hiểu như năm 1900), ảnh hưởng đến toàn bộ nền điện toán trên thế giới. Nhưng điều đó đã không xãy ra.

25. Ngày 15-2-2005: YouTube ra đời

Đây là một website đình đám của thế hệ WEB 2.0. Website mạng xã hội này cho phép người dùng có thể đưa (upload) các file video tự tạo lên mạng hoặc xem các file khác được gửi lên bởi người dùng khác. Nó rất thành công, tạo nên một làn sóng các website video trực tuyến. Google mua lại website này với giá kỷ lục.

26. Ngày 11-7-2008: Apple ra mắt iPhone App Store

App Store, một phần của iTunes, được dành để lưu trữ các chương trình cho máy iPhone được tạo bởi các nhà phát triển độc lập nhưng được thông qua bởi Apple. Nó biến iPhone trở thành một nền tảng điện toán mềm dẻo với tiềm năng phát triển ấn tượng cho người dùng.

Thứ Hai, 24/11/2008 10:20
31 👨 4.089
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Kiến thức cơ bản