2012: Năm Android “gặp khó”

Câu chuyện thành công năm 2011 của Android sẽ không còn tái diễn trong năm nay sau rất nhiều vấn đề nền tảng nguồn mở của Google phải đối mặt.

2012: Năm Android “gặp khó”

Bài viết tập trung vào những vấn đề từ nhỏ tới lớn mà Google Android đã đang và sẽ phải đối mặt trong năm 2012 này.

1. Android chỉ là hạng 2

Hãy bắt đầu bằng câu chuyện gây “sốt” mới đây: Facebook mua Instagram với giá 1 tỉ USD. Đây là tin xấu cho Android, bởi nó cho thấy một nhà phát triển có thể viết nên sản phẩm thành công vang dội, khiến mọi người “phát cuồng” mà không cần tới Android.

Nhớ rằng, Facebook đã đàm phán mua Instagram và thậm chí Instagram còn thu được khoản đầu tư 500 triệu USD trước khi ứng dụng chia sẻ hình ảnh mở rộng cho nền tảng Android. Thông điệp đưa ra ở đây khá rõ ràng: Viết cho iOS trước, Android hạng 2. Instagram một thời gian dài là độc quyền của Apple iOS, và còn giật ngôi “Ứng dụng của năm 2011” trên App Store.

Sự thực không mấy vui vẻ về mối quan hệ Android – nhà phát triển luôn tồn tại, thậm chí các nhà phát triển còn đang mất dần mối quan tâm tới Android. Khi những đối tượng này chỉ xem Android như hạng 2, người tiêu dùng cũng sẽ đi theo xu hướng đó.

2. Thảm họa máy tính bảng

Thị trường máy tính bảng là cơ hội thứ hai cho Android đánh bại iOS và thống trị thế giới. Điều đó không xảy ra.

Có lẽ nguyên nhân quan trọng giúp Android thành công trong thị trường điện thoại di động tới từ các nhà mạng. Android đánh bại iPhone vì bạn chỉ có thể mua iPhone từ nhà mạng AT&T. Dù iPhone có tốt thế nào, chuyển đổi nhà mạng vẫn là điều đau đầu.

Thành công của iPad trước hàng tá máy tính bảng Android cho thấy trên mảnh đất giải trí, nơi người dùng chỉ muốn lựa chọn thiết bị tốt nhất, họ sẽ chọn thiết bị iOS.

Đó là ý tưởng khủng khiếp với Android, đồng nghĩa với việc nền tảng của Google sẽ không bao giờ bắt kịp được Apple trong con mắt người dùng. Điều này là do hoặc hệ điều hành thực sự tệ, hoặc bởi vì Apple đã có chiêu bài tiếp thị tới khách hàng tốt hơn hẳn. Dù sao, như thế cũng không ổn cho Android.

Chỉ có một máy tính bảng Android thành công: Kindle Fire. Tuy nhiên, thành công của Kindle Fire lại cho thấy bạn không cần tới sự phê duyệt của Google để tạo ra sản phẩm Android tốt. Nó chỉ hướng các công ty khác làm điều tương tự Amazon, khiến Android càng bị phân mảnh và làm Google mất kiểm soát với hệ điều hành của riêng mình.

3. Lo ngại từ đối tác

Theo nguồn tin trong ngành, 2012 sẽ là năm của “chia nhánh Android”, hay sử dụng lớp cơ sở của Android để tạo ra thứ hoàn toàn khác biệt.

Các nhà sản xuất điện thoại lớn không chỉ muốn là nhà cung cấp Android sẽ bắt đầu giới thiệu tùy chỉnh Android riêng cho điện thoại của mình. Mối nguy hiểm cho Android càng mở rộng.

Một nguồn tin khác lại tiết lộ điều duy nhất các hãng muốn nói tới hiện tại là quyết định mua Motorola của Google. Họ lo ngại Google muốn trở thành Apple thứ hai, vừa sản xuất phần cứng vừa sản xuất phần mềm. Các đối tác giận dữ, song cũng không có nhiều lựa chọn. Họ không có quyền tiếp cận iOS – nền tảng độc quyền của Apple. Microsoft lại đang trong cuộc hôn nhân sâu đậm với Nokia, cũng như Google với Motorola.

Tuy nhiên, cơn giận dữ đưa họ tới “chia nhánh Android”. Các nhà sản xuất sẽ từ quan hệ đối tác với Google chuyển sang đối đầu. Ngay cả khi thất bại, mức độ phân mảnh Android mới cũng hình thành.

Các nhà mạng cũng không ngồi yên. Một trong những đối tác nhà mạng quan trọng của Google – Verizon – vừa tuyên bố kế hoạch thúc đẩy Windows Phone như đã làm với Android. AT&T cũng sẽ chi 150 triệu USD để tiếp thị Windows Phone.

Có thể các nhà mạng không tạo ra được nhu cầu tiêu dùng song dấu hiệu “phớt lờ” Android là dấu hiệu xấu.

4. Người dùng Android lạc hậu

Theo thống kê từ trang dành cho các nhà phát triển Android, chỉ có 2,9% thiết bị Android đang dùng Android 4.0. Phần lớn thiết bị Android (63,2%) là Android 2.3 “Gingerbread”, tiếp theo là Android 2.2 “Froyo” (23,1%).

Điều này đồng nghĩa 86,3% người dùng đang sử dụng các phiên bản Android lỗi thời và trở nên lạc hậu. Hoặc họ không mua các thiết bị Android mới nhất, hoặc họ không thể cập nhật được phần mềm mới nhất. Vì gì đi nữa cũng là thảm họa cho Google, vì hãng đã giành nhiều nỗ lực để tạo ra hệ điều hành tốt nhất trong mỗi lần cập nhật.

Nó cũng kéo theo vấn đề về nhận thức: Người dùng iPhone luôn có được những gì tốt nhất, mới nhất từ iOS. Người dùng Android lại mắc kẹt với hệ điều hành ra đời một năm trước.

5. Doanh số iPhone đang vượt Android tại Mỹ

Thêm một dữ liệu khác cho thấy Android “gặp khó”: Tuần này, nhà mạng Verizon tiết lộ đã bán được 3,2 triệu iPhone trong quý đầu năm 2012. Tổng lượng smartphone bán ra là 6,2 triệu máy, như vậy, chỉ riêng iPhone cũng hơn tất cả smartphone khác cộng lại. AT&T và Sprint chưa đưa ra báo cáo, nhưng có lẽ xu hướng tỉ lệ của nhà mạng này cũng không khác gì Verizon.

Nói cách khác, tại cả 3 nhà mạng lớn nhất nước Mỹ, iPhone đều vượt xa Android. Năm 2011 là năm của Android, thị phần của Apple vì thế mà bị “dìm hàng”. Tuy nhiên, năm nay mọi chuyện đã khác nhờ vào sự mở rộng các nhà mạng. Apple đang trên đường quay trở lại vinh quang.

Xếp các vấn đề trên cạnh nhau – các nhà phát triển lãnh đạm, các đối tác phần cứng giận dữ, hệ điều hành “siêu phân mảnh”, nhà mạng chuẩn bị hỗ trợ Windows Phone – càng tô đậm thêm bức tranh tương lai u ám cho Google Android.

Thứ Hai, 23/04/2012 11:26
31 👨 105
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp