18 sai lầm giết chết start-up từ người sáng lập Y Combinator (phần cuối)

Những nguyên nhân khiến bạn khởi nghiệp thất bại.

Phần cuối cùng của loạt bài liệt kê các nguyên nhân phổ biến dẫn đến sự thất bại của startup mang tới 6 nguyên nhân. Tất cả 18 nguyên nhân được đưa ra trong loạt bài này là những điều bạn hoàn toàn có thể kiểm soát được. Có thể bạn không để ý hay nhận ra chúng khi đang quá chú tâm vào công việc, vì thế dành thời gian duyệt lại toàn bộ quá trình cũng là cách để tránh thất bại khi khởi nghiệp.

13. Gọi quá nhiều vốn
14. Quản lý nhà đầu tư kém
15. Hy sinh người dùng để lấy lợi nhuận (giả định)
16. Không sẵn sàng bắt tay vào làm việc
17. Mâu thuẫn giữa những người sáng lập
18. Cố gắng nửa vời

13. Gọi quá nhiều vốn

Ít tiền quá hiển nhiên sẽ giết bạn, nhưng chẳng nhẽ quá nhiều tiền cũng vậy hay sao? Câu trả lời là vừa có vừa không. Vấn đề không hẳn là tiền mà cái chính là cái gì đi cùng nó. Như 1 nhà đầu tư mạo hiểm (VC) từng nói với tôi tại Y Combinator "Nếu anh lấy được vài triệu đô-la từ tôi thì đồng hồ đang đếm ngược đấy". Nếu một VC cung cấp vốn cho bạn thì họ không mong bạn gửi tiền vào ngân hàng và vận hành công việc như những anh chàng sống bằng mì gói. Họ muốn tiền phải làm được việc. (6) Ít nhất thì bạn cũng chuyển văn phòng tới nơi thích hợp hơn và thuê nhiều người hơn. Điều đó có thể thay đổi không khí dù không hoàn toàn là theo hướng tốt hơn. Giờ thì hầu hết mọi người đều là nhân viên chứ không phải người sáng lập. Họ không buộc phải cam kết gắn bó, họ cần bạn nói cho họ phải làm gì, họ bắt đầu dự phần vào lối sống văn phòng. Khi bạn gọi thêm được nhiều tiền thì công ty của bạn "bắt đầu chuyển ra ngoại ô và sẽ có thêm nhiều trẻ nhỏ".

Có lẽ nguy hiểm nhất khi gọi được nhiều tiền là việc chuyển hướng sẽ trở nên khó khăn hơn. Giả sử kế hoạch ban đầu của bạn là bán món hàng gì đó cho các công ty. Sau khi có được vốn VC thì bạn bắt đầu thuê đội ngũ bán hàng. Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn nhận ra rằng mình nên bán cho khách hàng cá nhân thay vì doanh nghiệp? Đó là hình thức bán hàng hoàn toàn khác. Thực tế thì điều xảy ra sau đó là bạn không thể nhận ra điều nói trên. Bởi càng có nhiều người thì khả năng bạn đi mãi theo 1 hướng càng cao.

Xem thêm: 12 bước để pivot start-up

Một trở ngại khác khi dùng nguồn vốn lớn là thời gian gọi vốn lại tỉ lệ thuận với mức vốn. Khi mức vốn lên tới hàng triệu đô-la thì các nhà đầu tư cũng phải rất thận trọng. (7) VC ít khi chỉ nói "có" hoặc "không" mà sẽ lôi bạn vào những cuộc thảo luận dường như kéo dài vô tận. Gọi vốn là việc tốn nhiều thời gian, nhiều khi còn hơn cả bản thân các công việc trong startup. Chắc chắn bạn cũng không muốn dành hết thời gian cho nhà đầu tư trong khi những đối thủ của bạn lại đang dành thời gian xây dựng startup của họ.

Chúng tôi khuyên các nhà sáng lập đang tìm kiếm tiền từ VC nên chấp nhận mức vừa phải đầu tiên mà họ có được. Nếu nhận được vốn từ 1 nơi có tiếng với mức tiền chấp nhận được, các điều khoản không quá khó khăn thì hãy chấp nhận và bắt đầu gây dựng công ty của mình. (8) Ai quan tâm nếu bạn có được mức vốn nhiều hơn 30% ở đâu đó khác? Startup là một trò chơi được ăn cả ngã về không. Kì kèo mặc cả hay tìm kiếm giữa các nhà đầu tư là 1 việc mất thời gian.

14. Quản lý nhà đầu tư kém

Là một người sáng lập, bạn phải biết quản lý các nhà đầu tư của mình. Không nên bỏ lơ vì họ có thể mang tới nhiều điều hữu ích nhưng cũng không thể để họ điều hành công ty bởi đó là công việc của bạn. Nếu nhà đầu tư có đủ tầm nhìn để điều hành doanh nghiệp mà họ cung cấp vốn thì sao họ không tự mình gây dựng?

Bỏ lơ nhà đầu tư có lẽ ít nguy hiểm hơn so với việc để họ tiếm quyền. Tuy vậy, các startup của chúng tôi cũng rất thận trọng khi bỏ lơ họ. Tranh cãi với các nhà đầu tư thay vì dành thời gian phát triển sản phẩm mất rất nhiều năng lượng nhưng cái giá phải trả vẫn ít hơn so với lựa chọn còn lại - lựa chọn có lẽ còn hủy hoại doanh nghiệp của bạn. Quản lý các nhà đầu tư khó khăn thế nào thường phụ thuộc vào mức vốn bạn gọi được. Nếu vốn nhiều, nhà đầu tư sẽ có nhiều quyền kiểm soát và sẽ là sếp của bạn theo đúng nghĩa đen. Thường thì khi người sáng lập và nhà đầu tư bình đẳng, quyền quyết định nằm trong tay giám đốc bên ngoài (outside director - giám đốc được thuê ngoài, không phải nhân viên công ty cũng không phải chủ sở hữu) và tất cả những gì nhà đầu tư cần làm là thuyết phục giám đốc để có quyền kiểm soát.

Nếu mọi việc thuận lợi thì sẽ không có vấn đề gì cả. Miễn là công việc vẫn cứ phát triển đều đều thì các nhà đầu tư sẽ để bạn yên. Thế nhưng trong startup thì không phải khi nào mọi chuyện cũng suôn sẻ. Các nhà đầu tư có thể gây ra nhiều vấn đề, ngay cả trong những công ty thành công nhất. Một ví dụ nổi tiếng chính là Apple khi họ thực hiện 1 sai lầm ngớ ngẩn chết người là sa thải Steve Jobs. Ngay cả Google cũng gặp nhiều khó khăn từ nhà đầu tư.

15. Hy sinh người dùng để lấy lợi nhuận (giả định)

Khi tôi nói từ đầu rằng nếu bạn có thể tạo ra điều gì mà người dùng muốn thì bạn sẽ tồn tại, có thể bạn nhận ra rằng tôi đã không hề đề cập gì tới việc với có mô hình kinh doanh đúng. Không phải kiếm tiền không quan trọng và tôi cũng không khuyến khích người sáng lập mở công ty mà không có lấy cơ hội kiếm tiền nào. Lý do tôi khuyên họ không nên lo lắng về mô hình kinh doanh ngay từ đầu là bởi tạo ra sản phẩm mà người dùng cần là nhiệm vụ khó khăn hơn nhiều.

Tôi không biết vì sao tạo ra thứ mọi người muốn lại khó đến thế nhưng bạn có thể nhìn thấy số startup làm được điều đó ít thế nào thì cũng đủ để hiểu.

Chính vì tạo ra thứ mọi người muốn khó hơn kiếm tiền từ nó, bạn nên để vấn đề mô hình kinh doanh cho giai đoạn sau, cũng như để 1 tính năng ít quan trọng và phức tạp sang phiên bản 2. Còn trong phiên bản 1, hãy giải quyết vấn đề cốt lõi. Vấn đề cốt lõi trong startup là làm cách nào để tạo ra giá trị (được tính bằng con số mọi người muốn sản phẩm của bạn nhân với mức độ mong muốn của họ), chứ không phải là chuyển giá trị đó thành tiền.

Những công ty thành công nhất là những công ty đặt người dùng lên trên hết. Google chính là 1 ví dụ. Họ tạo ra công cụ tìm kiếm hiệu quả rồi mới nghĩ tới việc kiếm tiền từ nó. Cũng có những người sáng lập cho rằng không tập trung vào mô hình kinh doanh ngay từ đầu là không có trách nhiệm, những người này thường được khuyến khích bởi những nhà đầu tư có kinh nghiệm từ các ngành ít linh hoạt hơn môi trường startup.

Không nghĩ về mô hình kinh doanh là thiếu thách nhiệm nhưng không nghĩ về sản phẩm còn thiếu trách nhiệm hơn nhiều lần.

Xem thêm: Hiểu về mô hình kinh doanh chỉ trong 2 phút - Business Model Canvas

16. Không sẵn sàng bắt tay vào làm việc

Gần như tất cả các lập trình viên đều dành thời gian viết code và để người khác lo liệu chuyện kinh doanh và kiếm tiền từ sản phẩm mà họ tạo ra, chứ không phải chỉ những người lười biếng. Larry and Sergey rõ ràng là đã biết điều này ngay từ đầu. Sau khi phát triển thuật toán tìm kiếm của mình, điều đầu tiên họ làm là tìm công ty để bán nó.

Tự mở 1 công ty thì sao? Hầu hết các hacker đều có chỉ có ý tưởng nhưng cũng như Larry and Sergey đã nhận ra, không có nhiều thị trường cho ý tưởng. Không ai tin vào 1 ý tưởng cho tới khi bạn đưa nó vào sản phẩm và dùng nó để phát triển cơ sở người dùng (user base). Có thể điều này sẽ thay đổi nhưng tôi nghi rằng sẽ không thay đổi nhiều. Muốn thuyết phục người mua công ty thì không gì bằng người dùng. Không chỉ là rủi ro giảm xuống mà vì người thu mua cũng là con người và họ khó có thể bỏ ra hàng triệu đô-la cho những chàng trai trẻ chỉ vì họ thông minh. Khi 1 ý tưởng được đưa vào sử dụng và mang tới nhiều người dùng, họ có thể tự nói với mình rằng họ đã mua người dùng chứ không phải sự thông minh. Điều đó khiến họ dễ quyết định hơn nhiều. (9)

Nếu muốn thu hút người dùng thì có lẽ bạn nên đứng lên, rời khỏi chiếc máy tính và đi tìm. Đó không phải việc dễ dàng nhưng nếu tự làm được việc đó thì bạn sẽ có nhiều cơ hội thành công hơn. Trong số những startup đầu tiên mà chúng tôi cấp vốn, vào mùa hè năm 2005, hầu hết những người sáng lập đều dành thời gian xây dựng ứng dụng. Chỉ có 1 người dành nửa thời gian để nói chuyện trực tiếp với những người điều hành bằng điện thoại của công ty và cố gắng thu xếp các thỏa thuận. Bạn có thể tưởng tượng điều đó khó khăn thế nào với 1 hacker. Nhưng nó rất xứng đáng bởi startup này dường như là starup thành công nhất trong nhóm đó xét về quy mô.

Nếu muốn khởi nghiệp, bạn phải đối mặt với sự thật rằng bạn không thể chỉ hack thôi được. Ít nhất 1 hacker phải dành thời gian để làm việc kinh doanh.

17. Mâu thuẫn giữa những người sáng lập

Đáng ngạc nhiên khi mâu thuẫn giữa những người sáng lập lại là chuyện khá phổ biến. Khoảng 20% startup mà chúng tôi cấp vốn đã có những người sáng lập rời bỏ startup. Chuyện này xảy ra thường xuyên tới nỗi chúng tôi phải thay đổi thái độ của mình về vấn đề "vest" (thỏa thuận mua lại cổ phần nếu người sáng lập bỏ đi - chú thích của ND). Chúng tôi không bắt buộc nhưng khuyến khích người sáng lập nên làm vậy để việc mọi người bỏ đi sẽ diễn ra kỉ luật hơn.

Dù vậy, việc 1 người sáng lập rời đi không nhất thiết sẽ giết chết startup. Nhiều startup thành công cũng từng kinh qua chuyện này (10) nhưng may mắn là người rời bỏ lại thường là người ít gắn bó nhất. Nếu có 3 người sáng lập và người bỏ đi là người mờ nhạt nhất thì cũng không vấn đề gì. Nếu chỉ có 2 người sáng lập và 1 người rời đi hay một người với kĩ năng rất cao rời đi thì vấn đề đã lớn hơn 1 chút. Nhưng ngay cả thế thì bạn vẫn có thể sống sót.

Tôi thấy hầu hết các cuộc tranh cãi giữa những người sáng lập đều có thể tránh được nếu mọi người cẩn thận lựa chọn người mình sẽ làm việc cùng. Hầu hết những tranh cãi không phải do tình huống cụ thể mà nguyên nhân đến từ con người, điều đó có nghĩa là bạn có thể tránh được chúng. Và hầu hết những người sáng lập gặp phải tình cảnh này có lẽ đều đã từng có cảm giác điều gì đó không đúng ngay từ khi bắt đầu, và họ đã cố gạt đi.

Đừng cố gạt đi những cảm giác như vậy. Cố gắng khắc phục các vấn đề trước khi bắt đầu khởi nghiệp thì dễ dàng hơn nhiều. Vì thế đừng đưa người bạn cùng nhà vào startup của mình chỉ vì không muốn anh ta cảm thấy bị ra rìa. Đừng bắt đầu khởi nghiệp với người bạn không thích bởi vì anh ta có kĩ năng mà bạn cần hay bạn lo lắng rằng không thể tìm được người khác. Con người là yếu tố quan trọng nhất trong startup, vì thế đừng nhượng bộ.

18. Cố gắng nửa vời

Những startup thất bại mà bạn biết đến hầu hết là những người nổi bật. Những người đó thực ra là những người ưu tú nhất trong nhóm thất bại. Loại phổ biến hơn cả không phải là những người mắc phải lỗi sai lớn mà là những người không làm tới chốn - những người bạn không bao giờ nghe thấy tên bởi nó chỉ là dự án của 1 vài người, làm song song với công việc nào đó của họ, thường không đi tới đâu và dần dần bị bỏ bẵng.

Số liệu cho thấy là nếu bạn muốn tránh thất bại thì điều quan trọng nhất là ban phải từ bỏ công việc chính của mình. Hầu hết người sáng lập của các startup thất bại không từ bỏ công việc hàng ngày, còn những người thành công thì có. Điều đó có nghĩa là bạn nhất thiết phải từ bỏ công việc hay không? Cũng không hẳn. Nhưng tôi đoán là nhiều người sáng lập tương lai không có đủ kiên định để bắt tay khởi nghiệp. Lý do họ không đầu tư nhiều thời gian hơn cho startup của mình là bởi họ biết rằng đó là khoản đầu tư không đáng. (11)

Tôi cũng đoán là có nhiều người có thể thành công nếu họ chấp nhận vượt qua và làm startup toàn thời gian, nhưng họ đã không làm thế. Tôi không biết số lượng này nhiều bao nhiêu nhưng nếu quá trình chiến thắng/vượt qua ranh giới/vô vọng này có thể được sắp xếp theo cách bạn muốn thì có lẽ số lượng người thành công, nếu họ bỏ công việc hàng ngày của mình, sẽ lớn hơn con số thực sự đã thành công. (12)

Nếu điều đó là đúng, hầu như mọi startup thất bại là bởi người sáng lập không cống hiến toàn bộ nỗ lực của mình. Điều này cũng giống như những gì tôi thấy trong thế giới thực. Hầu hết startup thất bại bởi họ không tạo ra thứ gì mà mọi người cần, và lý do là họ không cố gắng đủ nhiều.

Nói cách khác, bắt đầu khởi nghiệp cũng như bất kì 1 việc gì khác. Sai lầm lớn nhất bạn có thể mắc phải là không cố gắng hết mình. Nói về bí quyết thành công thì không có gì để phủ nhận điều đó cả.

(6) Vì đôi khi mọi người thường gọi chúng tôi là VC, tôi phải nói thêm là điều đó không đúng. VC đầu tư khoản tiền lớn của nhiều người khác còn chúng tôi đầu tư những khoản nhỏ bằng tiền của chính mình, giống như các nhà đầu tư thiên thần vậy.
(7) Không hẳn là tất nhiên hay thực sự mãi mãi bạn không bao giờ gọi được 5 triệu đô-la. Trên thực tế thì chỉ là có cảm giác như nó sẽ kéo dài mãi. Nếu bạn tính cả trường hợp VC không cấp vốn thì theo nghĩa đen đúng là "mãi mãi". Có lẽ chúng ta cũng nên tính trường hợp đó bởi nguy hiểm khi theo đuổi 1 khoản đầu tư lớn không chỉ là nó tốn nhiều thời gian. Nguy hiểm thực sự là bạn dành nhiều thời gian nhưng lại chẳng thu về gì cả.
(8) Một vài VC đưa ra mức tiền ít để xem bạn có hỏi thêm không. Khá cầu kì khi làm vậy nhưng một vài VC vẫn làm thế. Nếu phải làm việc với những VC như vậy thì bạn nên đưa mức tiền giảm 1 chút.
(9) Giả sử người sáng lập của YouTube đến gặp Google vào năm 2005 và nói rằng "Thiết kế của Google Video quá tệ hại. Hãy cho tôi 10 triệu đô-la và tôi cho cho biết anh đã mắc phải lỗi gì". Họ đã thực sự có được bí quyết. 18 tháng sau, Google trả 1,6 tỉ đô-la một phần là bởi họ có thể tự nói với mình rằng mình đã mua 1 hiện tượng, 1 cộng đồng hay thứ gì đó có ý nghĩa mơ hồ tương tự như vậy.
(10) Điều này xảy ra nhiều hơn so với mọi người biết bởi các công ty không quảng cáo về nó. Bạn có biết ban đầu Apple có tới 3 người sáng lập không?
(11) Tôi không có ý không tôn trọng những người này. Bản thân tôi cũng không có được sự kiên quyết. Kể từ sau Viaweb, đã 2 lần tôi suýt bắt tay khởi nghiệp nhưng cả 2 lần tôi đều từ bỏ vì tôi nhận ra rằng nếu khong phải bị thôi thúc bởi cảnh nghèo thì tôi không sẵn lòng chấp nhận sự căng thẳng mà startup mang lại.
(12) Làm thế nào để biết được bạn có phải là người nên từ bỏ công việc hàng ngày hay không. Tôi cho rằng sẽ khó mà tự đánh giá được, bạn nên tìm kiếm lời khuyên từ người khác. Chúng tôi tự cho mình là những nhà đầu tư nhưng nhìn ở góc độ khác thì Y Combinator là một dịch vụ cung cấp lời khuyên cho mọi người, xem họ có nên từ bỏ công việc hàng ngày của mình hay không. Chúng tôi cũng có thể mắc phải sai lầm, và không nghi ngờ gì rằng sai lầm cũng khá thường xuyên, nhưng chúng tôi ít nhất cũng đánh cược quyết định bằng tiền của mình.

Thứ Sáu, 29/07/2016 13:33
31 👨 282
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Kỹ năng Công việc